Trong tỉnh

Nhịp sống dần trở lại với người dân vùng 'rốn' lũ Nghệ An

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 25/9 đến ngày 27/9, tại một số huyện phía Tây Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, đá... thiệt hại lớn đến tài sản, kinh tế, hạ tầng giao thông.

Cảnh hoang tàn sau trận lũ lịch sử tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Ảnh: TTXVN phát


Từ ngày 28/9, địa bàn các huyện miền núi phía Tây Nghệ An mưa đã tạnh, trời quang, mực nước trên các sông, suối giảm. Tại các vùng “rốn” lũ xảy ra trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Mường Xén, Quế Phong, Quỳ Châu… nhịp sống dần trở lại. Chính quyền cơ sở cùng người dân dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, vật dụng, vệ sinh môi trường, sớm ổn định lại cuộc sống.

Tái thiết lại cuộc sống sau lũ "dữ" đi qua

Đêm 26 và rạng sáng 27/9, mưa lũ, lũ ống xảy ra trên địa bàn huyện Quỳ Châu, (Nghệ An) cùng với việc nhiều nhà máy thủy điện xả lũ khiến hơn 1.100 nhà dân bị ngập sâu từ 1- 4m, nhiều trường học, trạm y tế bị ngập nặng, hàng ngàn học sinh các cấp phải nghỉ học để tránh lũ. Nhiều hạng mục công trình giao thông, dân sinh bị hư hại, hàng ngàn hộ dân rơi vào tình trạng mất điện; quốc lộ 48 huyết mạch, trọng yếu nối các huyện miền núi phía Tây Nghệ An xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ngập sâu khiến giao thông bị tê liệt, nhiều vùng, khu vực bị chia cắt. Một số ngầm, tràn bị nước lũ dâng, ngập sâu khiến nhiều bản làng bị cô lập...

Riêng tại xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An), mưa lớn diễn ra trong đêm 26 và lũ ống xảy ra trong rạng sáng 27/9, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến dòng chảy của sông Hiếu trở nên hung dữ và đột ngột dâng nhanh, mực nước dâng cao bất ngờ tạo nên trận lụt lịch sử. Trong ngày 27/9, lũ lụt nhấn chìm hàng chục ngôi nhà trên địa bàn xã Châu Hội, phá hỏng nhiều công trình giao thông, làm thiệt hại lớn về tài sản, ruộng vườn, gia cầm, ao nuôi...của người dân; nhiều hộ dân, khu dân cư bị cô lập do đường giao thông bị ngập sâu, tàn phá.

Từ sáng 28/9, khi lũ "dữ" đi qua, người dân ở xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) chủ động thu dọn những đổ nát, hoang tàn, “tái thiết” lại cuộc sống.

Anh Lương Văn Thành (xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cho biết, trong sáng 28/9, người dân trên địa bàn chủ động dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, ruộng vườn, lau chùi và sửa chữa đồ đạc, vệ sinh môi trường thôn, xóm, bản làng để sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt. Trong đêm và rạng sáng 27/9, ngôi nhà của anh Lương Văn Thành thuộc diện bị ngập sâu nhất, mực nước lúc cao điểm dâng lên gần mái nhà. Nước lũ đổ về lớn và dâng nhanh trong đêm tối mất điện đã nhấn chìm và làm hư hỏng nhiều đồ đạc, vật dụng có giá trị của gia đình anh như máy giặt, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện...

Khắc phục hậu uqar sau khi lũ rút ở huyện miền núi Quỳ Châu. Ảnh: TTXVN phát


May mắn nhất là mẹ già của anh (75 tuổi) khi bị lũ cuốn đã bám được vào thân cây to trên dòng chảy, người dân phát hiện khi nghe tiếng kêu cầu cứu của bà và hỗ trợ cứu bà thoát nạn. Khi lũ đi qua, một lượng lớn bùn đất, sình lầy phủ lên khắp các phòng, khu bếp ăn, sân vườn, nhà vệ sinh của gia đình. Anh Thành phải mất nhiều công sức, thời gian mới có thể dọn sạch.

Anh Lương Văn Thành phải đi mượn máy bơm, mua xăng về khởi động máy để bơm nước, tẩy sạch bùn đất, sinh lầy. Anh Lương Văn Thành cho biết thêm, do nước lũ dâng ngập, mang theo nhiều rác bẩn, bùn đất, nên sau khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đồ đạc anh cũng sẽ thau chùi lại bể chứa nước ăn, giếng đào của gia đình để đảm bảo vệ sinh, đưa vào sử dụng lại.

Tại địa bàn xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu, Nghệ An), công việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, lau chùi đồ đạc tại các hộ gia đình đều có sự chung tay giúp sức, hỗ trợ của làng xóm. Những gia đình bị ngập nặng, người dân cắt cử, phân công và dồn lực tham gia giúp đỡ. Tình người trong và sau lũ lại càng thể hiện rõ, qua đó thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng làng xóm, khu dân cư.

Đứng trên cây cầu treo bắc qua sông Hiếu nối trung tâm hành chính xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) với quốc lộ 48, mực nước sông Hiếu đã xuống thấp, dòng chảy không còn mạnh. Đến chiều 28/9, giao thông qua các điểm ngập lụt trên quốc lộ 48 từ địa bàn huyện Nghĩa Đàn đi Quỳ Châu, Quế Phong đã thông tuyến, đi lại dễ dàng do các điểm ngập lụt rút hết nước. Để đảm bảo an toàn giao thông, người dân và ngành quản lý đường bộ đang tập kết máy móc, phương tiện chuyên dụng cùng người dân hối hả, tất bật thu dọn bùn đất, sình lầy sau khi nước rút.

Dọc tuyến quốc lộ 48 qua địa bàn huyện Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) dễ dàng bắt gặp cảnh người dân sửa chữa lại khu vườn ươm trồng cây keo giống; thu dọn giải phóng lớp đất, bùn dày để lấy lại hiện trạng cho mặt đường quốc lộ 48; cắm biển cảnh báo tại những điểm có nguy cơ sạt trượt đất đá trên quốc lộ; lau chùi đồ đạc, giặt rũ quần áo; vệ sinh cảnh quan môi trường... Nhiều trường học tổ chức dọn dẹp, vệ sinh lớp, bàn ghế sách vở. Ngành Điện lực, Viễn thông chỉ đạo, cắt cử công nhân khảo sát tuyến, sửa chữa các điểm hư hại để sớm cung cấp lại dịch vụ cho người dân.

Ngay sau khi nước rút, với phương châm “nước rút đến đâu dọn sạch đến đó” chính quyền huyện Qùy Châu đã chỉ đạo các lực lượng xung kích, phối hợp với địa phương và các trường học trên địa bàn tổ chức khắc phục hậu quả. Ảnh: TTXVN phát


Tại các điểm sạt lở vách taluy dương, các loại máy móc, xe chuyên dụng đang cần mẫn san ủi, giải phóng mặt bằng nhằm sớm lấy lại hành lang thông thoáng cho tuyến đường. Những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, các loại phương tiện máy móc được tập kết và sẵn sàng tham gia ứng cứu, giải phóng hiện trường sạt lở. Các chợ lớn ở các khu đông dân cư, trung tâm thị trấn, huyện lị nằm dọc tuyến quốc lộ 48 thuộc địa bàn huyện Quỳ Hợp, Quế Phong (Nghệ An) hoạt động trở lại.

Dù còn nhiều khó khăn và thời gian để “tái thiết” lại những hư hại, tổn thất do lũ, lụt gây ra, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người dân; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng vũ trang, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong chỉ đạo, chung tay khắc phục hậu quả, bảo vệ và hỗ trợ người dân vùng thiên tai, nhịp sống đã dần trở lại với người dân các vùng “rốn” lũ ở các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương...

Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ

Trở về từ vùng “rốn” lũ của huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), Hội trưởng Câu lạc bộ (CLB) chia sẻ yêu thương Diễn Châu (huyện Diễn Châu, Nghệ An) Nguyễn Thị Châu sau hành trình thiện nguyện cùng hơn 10 thành viên trong CLB cho biết: Trong ngày 27/9, khi các thành viên trong CLB đang ngồi làm hơn 600 chiếc bánh để trao tặng cho cho các trường trên địa bàn xã miền biển, bãi ngang Diễn Bích (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) tổ chức trung thu cho các cháu thì có những cuộc điện thoại của người dân vùng lũ Quỳ Châu gọi đến mong muốn được giúp đỡ do khan hiếm nước uống, nhu yếu phẩm...

Ngay lập tức, các thành viên trong CLB tức tốc kết nối, cùng xây dựng phương án, kế hoạch di chuyển, mua nước uống, mỳ tôm, quần áo, nhu yếu phẩm trong chiều và đêm 28/9 và ấn định ngày, giờ để “ngược ngàn” lên hỗ trợ cho bà con, các cháu học sinh vùng lũ. Với quá trình và kinh nghiệm hoạt hơn 10 năm trong hoạt động thiện nguyện, chỉ trong một thời gian ngắn CLB chia sẻ yêu thương Diễn Châu kêu gọi, vận động các thành viên mua khoảng 500 thùng nước lọc, thùng mỳ tôm, hàng trăm chiếc bánh mỳ giò, hàng chục thùng sữa, bánh, kẹo các loại, hàng trăm bộ quần áo, hàng tấn rau xanh, củ quả các loại, huy động 1 xe tải chở hàng hóa và 2 xe bán tải cùng 13 thành viên đi vào vùng “rốn” lũ Quỳ Châu (Nghệ An).

Sách vở, thiết bị giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện Quỳ Châu bị hư hỏng nặng sau lũ. Ảnh: TTXVN phát


Trong ngày 29/9, nhóm thiện nguyện CLB chia sẻ yêu thương Diễn Châu đến nhiều điểm dân cư ngập lụt nặng trên địa bàn xã Châu Bình, xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu, Nghệ An), trường cấp 3 xã Châu Bình và trường cấp 1 xã Châu Thắng (huyện Quỳ Châu) để trao tặng quà, hỗ trợ người dân và các cháu học sinh bị ngập lụt.

Sự vất vả, khó khăn trong hành trình di chuyển của các thành viên trong nhóm CLB chia sẻ yêu thương Diễn Châu được chị Nguyễn Thị Châu, Hội trưởng nhóm thiện nguyện CLB kể lại: Dù nước lũ đã rút, nhưng đường vào các điểm dân cư mà đoàn đi trao tặng còn nhiều bùn đất, sình lầy và trơn trượt, trời lại đổ mưa... nhiều thành viên trong đoàn bị ngã, quần áo ướt, lấm lem bùn đất. Một vài điểm ở xóm Kẻ Khoang (huyện Qùy Châu, Nghệ An) xe của đoàn bị ngập bùn đất lên hơn nửa vành bánh, đoàn phải cố gắng mới thoát khỏi được sự sa lầy. Hướng về đồng bào vùng thiên tai, ngập lụt, chia sẻ với đồng bào lúc khó khăn là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, tiếp nối truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên các thành viên trong CLB làm việc rất có tâm huyết, trách nhiệm, được đồng bào vùng lũ quý mến.

Trong các ngày từ 27 đến nay, nhiều tổ chức xã hội, nhiều đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm ở mọi miền đất nước thông qua cấp ủy, chính quyền địa phương các huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Kỳ Sơn... (Nghệ An) thực hiện nhiều hành trình thiện nguyện, hỗ trợ, ủng hộ người dân, các trường học vùng lũ. Qua đó thể truyền thống, tính nhân văn cao đẹp và “sáng tình người” khi lũ dữ đi qua.

Dù tình hình thiên tai trên địa bàn các huyện vùng núi phía Tây Nghệ An không còn diễn biến cực đoan, phức tạp. Tuy nhiên, không chủ quan trước thời tiết, UBND các huyện yêu cầu chính quyền các xã phải theo dõi sát sao, nắm bắt diễn biến của thời tiết để chủ động thông tin kịp thời đến người dân; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đồng thời tăng cường kiểm soát, kiểm tra các khu dân cư sinh sống gần sông, suối, vùng trũng, thấp, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có giải pháp di dời kịp thời khi có sự cố khẩn cấp xảy ra; chăm lo đời sống của người dân; khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống người dân; nhanh chóng tiến hành kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại cụ thể để có biện pháp khắc phục, hỗ trợ người dân kịp thời.

Tác giả: Xuân Tiến

Nguồn tin: Báo Tin Tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP