Vietinbank mắc kẹt với khoản nợ nhiều chục ngàn tỉ đồng. ẢNH VTB |
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng gồm: BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng Hợp tác xã, Oceanbank, GPbank, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp - DATC và Ngân hàng Quân đội - MB.
Theo báo cáo này, việc tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng là chậm và chưa triệt để.
Cụ thể, NHNN chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai phương án cơ cấu lại GPbank theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chậm phê duyệt Đề án tái cơ cấu GPbank, Oceanbank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng 0 đồng; công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của NHNN còn hạn chế.
Tỷ lệ nợ xấu cụ thể tại 3 ngân hàng 0 đồng là rất cao: GPbank là 2.800 tỉ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbank là 14.234 tỉ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỉ đồng, chiếm 95% dư nợ.
Thực trạng tài chính của các ngân hàng này cũng không được cải thiện, tiếp tục thua lỗ lớn.
Từ thời điểm mua bắt buộc (7.7.2015) đến hết năm 2016, GPbank lỗ thêm 451 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2016 là 13.448 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỉ đồng.
Đối với Oceanbank, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỉ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỉ đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2016 là 15.894 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỉ đồng.
Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng này được đánh giá là ngày càng khó khăn. Ước tính số nợ xấu có thể thu hồi của GPbank chỉ là 866 tỉ đồng, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. Nợ xấu của OceanBank rất khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác…
Một số ngân hàng thương mại cũng chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng từ nhiều năm, do dính đến các nguyên lãnh đạo đã dính vòng lao lý.
Đơn cử, GPbank còn khoản 3.420 tỉ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỉ đồng liên quan đến nguyên chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỉ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…; Oceanbank còn nhiều khoản phải thu, tạm ứng, trong đó 331 tỉ đồng tạm ứng liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm; 245 tỉ đồng tạm ứng thực hiện các dự án bất động sản đều đã quá hạn và rủi ro mất vốn...
Ông lớn ngân hàng cũng thua lỗ nặng khi đầu tư tài chính
Đáng chú ý, cả các ngân hàng yếu kém lẫn các ngân hàng hàng đầu đều được chỉ ra những khoản đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Oceanbank có 12/39 khoản đầu tư với giá trị vốn góp 411 tỉ đồng từ năm 2009 - 2011 đến năm 2016 không thu được cổ tức; riêng năm 2016 không nhận được cổ tức của 28 khoản đầu tư; cuối năm 2016 phải trích lập dự phòng 198 tỉ đồng của 14 khoản đầu tư do đơn vị thua lỗ qua nhiều năm (trong đó 5 đơn vị gần như không còn hoạt động).
Ông lớn Vietcombank đầu tư 204,97 tỉ đồng (tương ứng 9,625 triệu USD) vào Công ty chuyển tiền Vietcombank, lỗ lũy kế đến cuối 2016 là 5,347 triệu USD; đầu tư 135,15 tỉ đồng vào Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank, lỗ lũy kế đến cuối 2016 là 12,8 tỉ đồng; đầu tư 270 tỉ đồng vào Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank - Cardif, năm 2016 lỗ 17,8 tỉ đồng; đầu tư 123,45 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương, tỷ lệ cổ tức được chia năm 2016 là 4%; 70,95 tỉ đồng vào Công ty Tài chính Xi măng, năm 2016 không nhận được cổ tức.
BIDV đầu tư vào 3 công ty con 3.128 tỉ đồng, 12 khoản đầu tư dài hạn khác 280,2 tỉ đồng không nhận được cổ tức; Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV đầu tư 5 mã chứng khoán (CTG, DPM, PVS, THC, GEX) lỗ 239,62 tỉ đồng; Tổng công ty Bảo hiểm BIDV đầu tư cổ phiếu Công ty CP Phát triển Đông dương xanh từ năm 2009, trích lập dự phòng 65,2% giá trị đầu tư (16,89 tỉ đồng).
DATC có 6/34 doanh nghiệp lỗ lũy kế, 9/34 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng; cổ tức/lợi nhận được chia năm 2016 bằng 2% vốn đầu tư, trích lập dự phòng tương đương 36,1% giá trị đầu tư.
Ngân hàng Hợp tác xã rất khó khăn để thu hồi khoản tiền gửi có kỳ hạn 585 tỉ đồng tại Công ty CP Tài chính Handico từ năm 2011.
Vietinbank sa lầy gần 32.000 tỉ vì các khách hàng lớn gặp khó khăn
Theo kết quả kiểm toán, hầu hết các ngân hàng thương mại còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay như thẩm định thiếu chặt chẽ, chứng từ giải ngân không đầy đủ, chưa giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, định kỳ chưa đánh giá lại tài sản đảm bảo...; phân loại nợ chưa phù hợp; trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số khoản vay dư nợ lớn tiềm ẩn rủi ro của các "ông lớn" ngân hàng.
Đơn cử, Vietcombank có nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại chi nhánh TP.HCM từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến cuối 2016 là 251,7 tỉ đồng, lãi 85,7 tỉ đồng, sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo, Vietcombank đang đề nghị Cơ quan an ninh điều tra xử lý.
Trong khi đó, một số khách hàng lớn của ngân hàng Vietinbank có tình hình tài chính khó khăn, đã được cơ cấu lại nợ, đa phần là các dự án đắp chiếu ngành công thương, như Công ty CP DAP số 2 - Tập đoàn Hóa chất 1.113 tỉ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên 1.824 tỉ đồng, Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc 1.921 tỉ đồng, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung 4.646 tỉ đồng, Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí 1.204 tỉ đồng, Dự án Đạm Ninh Bình - Tập đoàn Hóa chất 725,9 tỉ đồng, Công ty CP xi măng Công Thanh 8.401 tỉ đồng, Công ty CP sửa chữa tàu biển NOSCO 3.078 tỉ đồng, Công ty CP quốc tế C&T 919 tỉ đồng, Công ty CP Đất Việt 1.035 tỉ đồng… Tổng số tiền các khách hàng lớn này nợ lên tới con số gần 32.000 tỉ đồng.
Nợ xấu và tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến hết 2016 là 8,81%. Theo Kiểm toán Nhà nước, đến hết năm 2016, tổng nợ xấu và tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 485.306 tỉ đồng, chiếm 8,81% tổng dư nợ. Khả năng chi trả của Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thấp, đến 31.12.2016 chỉ đạt 1,14% số tiền cần chi trả bảo hiểm. Tính riêng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần lưu ý thì khả năng chi trả của Quỹ dự phòng nghiệp vụ là 42,6%. |
Tác giả: Vũ Hân
Nguồn tin: Báo Thanh Niên