Việc các trường giảm chỉ tiêu, thay đổi phương án tuyển sinh diễn ra trong bối cảnh Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh 2022 với nhiều điểm mới. Trong đó, Bộ yêu cầu các trường với phương thức tuyển sinh đang sử dụng, nếu muốn giảm chỉ tiêu hoặc bỏ thì cần có lộ trình giảm (chẳng hạn không quá 30% tổng chỉ tiêu mỗi năm) để không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của học sinh, các trường thay đổi phương thức tuyển cần thông báo trước 1 năm để thí sinh chuẩn bị...
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: H.C) |
Học viện Ngoại giao giảm chỉ tiêu tuyển sinh xuống 2.010 (trước đó trường dự kiến tuyển 2.200 sinh viên), đồng thời, phân bổ lại chỉ tiêu theo từng phương thức xét.
Theo đó, trường dành 67% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ, 25% chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, 2% chỉ tiêu để xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn (áp dụng cho thí sinh học chương trình THPT của nước ngoài, 3% cho phương thức kết hợp xét học bạ và phỏng vấn, dành cho thí sinh có năng lực, thành tích đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học... hoặc đoạt giải các cuộc thi quốc tế) và 3% xét tuyển thẳng.
Trong đề án tuyển sinh chính thức vừa được Đại học Lao động, Xã hội công bố, số chỉ tiêu tuyển là 3.253 (giảm hơn 500 chỉ tiêu so với đề án dự kiến công bố tháng 4/2022).
Năm nay, tại Hà Nội, trường dành 1.900 chỉ tiêu xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, 473 chỉ tiêu xét học bạ. Với cơ sở ở TP.HCM trường xét 700 chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp và 180 chỉ tiêu học bạ. Ngoài 2 phương thức chính trên, trường cũng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển với những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia trở lên, là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hoặc học sinh các trường dân tộc nội trú, người nước ngoài. Trường nhận hồ sơ xét tuyển thẳng và học bạ từ 20/6 đến 20/7.
Điểm chuẩn năm năm ngoái của Đại học Lao động, Xã hội dao động 14 đến 22,4. Mức thấp nhất giữ nguyên, trong khi mức cao nhất tăng hơn 7 điểm so với năm 2020. Ngành Quản trị Nhân lực lấy điểm chuẩn cao nhất, còn Bảo hiểm thấp nhất.
Điểm chuẩn tại cơ sở TP.HCM cao hơn, từ 15 đến 23,5, trong đó Quản trị Nhân lực tiếp tục dẫn đầu, nhiều ngành khác trên 20.
Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra thêm thông tin mới quan trọng sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh mới năm 2022.
Theo đó, trường thông báo, từ năm 2023, trường dự kiến chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu, sau khi trừ số thí sinh tuyển thẳng theo quy chế. Trường không tuyển theo các phương thức còn lại, kể cả sử dụng kết quả ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp.
Năm 2022, Đại học Kinh tế quốc dân tuyển 6.100 sinh viên bằng ba phương thức: Xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường (63% tổng chỉ tiêu), xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 (35%).
Tác giả: HÀ CƯỜNG
Nguồn tin: vtc.vn