Bà Nguyễn Thị Xuân (P.Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị), nguyên đơn trong vụ án hành chính kiện Chủ tịch UBND TP.Đông Hà ban hành quyết định thu hồi đất sai, đã được TAND tỉnh Quảng Trị tuyên án từ tháng 5.2017 nhưng bản án tới nay vẫn chưa được Chủ tịch UBND TP.Đông Hà thi hành |
Việc tham gia các phiên tòa hành chính cho tới việc chấp hành các bản án hành chính đã được tòa phán quyết đều gặp tình trạng ách tắc do sự “chây ì” của chủ tịch UBND các cấp - người bị khởi kiện trong các vụ án hành chính.
Dù Quốc hội vừa tiến hành giám sát năm 2018 và ra nghị quyết yêu cầu UBND các cấp thực hiện nghiêm pháp luật về tố tụng hành chính, tình trạng giải quyết các vụ án hành chính gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Theo báo cáo của TAND tối cao, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính của tòa những tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 53,1%. Đây là tỷ lệ cao hơn so với năm 2018, song thấp hơn nhiều so với các loại án khác.
Lãnh đạo không hiệp y bổ nhiệm thẩm phán vì bị gọi ra tòa
Giải thích về vấn đề này tại phiên họp Ủy ban Tư pháp Quốc hội mới đây, Phó chánh án thường trực TAND tối cao Lê Hồng Quang cho biết sở dĩ tỷ lệ thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính thấp do việc triệu tập được chủ tịch UBND, với tư cách người bị khởi kiện, ra tòa là “cực khó”.
“Các vị (chủ tịch UBND - PV) cứ nghĩ rằng khi bước ra tòa thì vị thế tôi bị thấp, nên các ông chủ tịch, phó bí thư tỉnh nằm trong thường trực tỉnh ủy mà phải đến tòa để thẩm phán trung cấp xét xử thì các ông thấy vị thế mình bị thấp”, ông Quang phân trần và cho biết khi các lãnh đạo tỉnh không đến tòa thì không thể đối thoại, không thể cung cấp chứng cứ, dẫn đến việc tòa phải hoãn nhiều lần, số lượng vụ án được giải quyết sẽ thấp.
Ông Quang cũng phản ánh tình trạng các thẩm phán nể nang khi giải quyết các vụ án hành chính do người bị khởi kiện là lãnh đạo chủ chốt của địa phương.
“Ông chủ tịch to đùng như thế, thẩm phán bé như thế, không nể nang không được”, Phó chánh án TAND tối cao nói và cho biết, chính “vị thế” khác biệt giữa thẩm phán và bị đơn đã tạo áp lực rất lớn cho các thẩm phán khi thụ lý giải quyết các vụ án hành chính. “Nhiều thẩm phán, chánh án, phó chánh án khi tái nhiệm thì cấp ủy không hiệp y, hoặc là khó khăn trong hiệp y, hoặc nói những lý do không nằm trong luật như đồng chí này có điều tiếng, thái độ, đồng thời có nhiều đơn thư và thường vụ không hiệp y, thế là xong”, ông Quang nêu.
Không chỉ “từ chối” tham gia các phiên tòa hành chính, gây áp lực cho thẩm phán, nhiều chủ tịch UBND còn chây ì trong việc thi hành các bản án sau khi tòa đã ra phán quyết. Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019 của Bộ Tư pháp cho hay, trong số 551 bản án hành chính mà người thi hành là chủ tịch UBND các cấp trong năm 2019 thì tới nay chỉ mới thi hành được 215 vụ việc (đạt 39%). Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá đây là tỷ lệ thấp khiến số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng gấp 2 lần hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Phải xử lý chủ tịch tỉnh chây ì
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội diễn ra tuần trước, khi đề cập tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã nhiều lần gay gắt cho rằng, việc giải quyết và thi hành án hành chính đã được Quốc hội giám sát nhưng năm nào cũng phải nói đi nói lại. Bà Nga đề nghị TAND tối cao và Bộ Tư pháp thống kê, báo cáo danh sách cụ thể những chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, huyện nào không chịu đến tòa để tham gia các vụ án hành chính cũng như thi hành các bản án hành chính đã được tòa ra phán quyết để Quốc hội giám sát.
Đối với tình trạng lãnh đạo địa phương “trù dập” thẩm phán mà Phó chánh án TAND tối cao Lê Hồng Quang nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị TAND thống kê và báo cáo để Ủy ban Tư pháp có ý kiến với cấp ủy địa phương, bảo đảm tính độc lập của tòa án. “Dở nhất là chúng ta nói chung chung, rất thẳng thắn nhưng chỉ là chém vào không khí nên từ năm này qua năm kia không giải quyết được”, bà Nga nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Hùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho rằng việc các lãnh đạo UBND không tham gia phiên tòa hành chính và không thi hành các bản án hành chính là chưa tôn trọng pháp luật, đặc biệt khi những người phải thi hành án là lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước.
“Đại biểu Quốc hội mong muốn Thủ tướng chỉ đạo UBND, thủ trưởng cơ quan chấp hành nghiêm bản án có hiệu lực pháp luật. Phải kỷ luật vài người để làm gương cho những lãnh đạo UBND các nơi khác. Thủ tướng cũng nhiều lần nói trước Quốc hội sẽ xử lý dứt điểm, không thể có chuyện kỷ cương như thế được, nhưng 3 năm qua vẫn chưa xử lý được trường hợp nào”, ông Hùng nói và cho rằng nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ làm giảm niềm tin của người dân.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên cứu kinh tế - chính sách (VERP), đây là vấn đề rất khó giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng, trước mắt có thể xử lý bằng cách công khai thông tin các lãnh đạo, địa phương không thực thi án hành chính, coi đó là tiêu chí để đánh giá hoạt động của lãnh đạo địa phương trong nhiệm kỳ.
TP.HCM “đứng đầu” về số bản án hành chính chưa thi hành Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019 cho hay, trong số 336 bản án hành chính còn tồn đọng năm 2019, chưa được các chủ tịch UBND, UBND các cấp thi hành thì TP.HCM chiếm 62 bản án (hơn 18%). Đáng nói là số bản án tồn đọng của TP.HCM cao gấp 3,6 lần số bản án đã được thi hành (chỉ 17 bản án). Xếp thứ 2 là tỉnh Kiên Giang với 43 bản án hành chính tồn đọng so với… 1 bản án tòa đã thực hiện xong. TP.Hà Nội có 20 bản án hành chính trong năm 2019 nhưng cũng chỉ thi hành được 1 bản án. Ở các địa phương khác tồn đọng nhiều bản án hành chính là Bà Rịa-Vũng Tàu (24 bản án), Đắk Lắk (21 bản án), Quảng Ngãi (14 bản án), Long An (12 bản án), Bình Thuận (12 bản án), Quảng Nam (10 bản án)... |
Tác giả: Lê Hiệp
Nguồn tin: Báo Thanh Niên