Charlotte Gill là chủ nhà hàng Charlotte’s Legendary Lobster Pound ở thị trấn Southwest Harbor tại Maine, Mỹ. Gill đang thử nghiệm cho tôm hùm hít khói cần sa trước khi giết và nấu chín chúng. Chủ nhà hàng này tin rằng đây là "phương pháp nhân đạo" với lũ tôm hơn là buộc càng và luộc sống chúng. Cô có giấy phép sử dụng cần sa y tế từ bang Maine, Fox đưa tin ngày 19/9.
Gill (giữa) chụp ảnh cùng nhân viên nhà hàng, trên tay là hộp thí nghiệm cho tôm hùm hít cần sa. Ảnh: The Portland Press Herald. |
"Tôi cảm thấy tệ khi lũ tôm hùm được đưa tới đây mà không có đường thoát", Gill nói.
Con tôm đầu tiên được thí nghiệm có tên Roscoe. Nó được đặt trong một hộp ngập nước, sau đó đầu bếp bơm khói cần sa vào hộp thông qua ống nối dưới nước. Gill khẳng định con tôm ít hung hăng hơn sau ba tuần, nó không tấn công những con khác dù không bị buộc càng. Kết thúc thí nghiệm, Gill đã thả con tôm về biển "như để cảm ơn nó", theo Mount Desert Islander.
Nổi bật trong thực đơn nhà hàng của Gill là những món tôm hùm. Ảnh: Tripadvisor. |
Hiện nhà hàng có một quầy phục vụ ngoài trời dành riêng cho những thực khách gọi món tôm hùm hít cần sa. Trong tương lai Gill sẽ xây dựng một bể lớn để tách những con tôm hùm thông thường và loại mới.
"Con tôm chắc chắn sẽ bị giết, nhưng cách này nhân đạo hơn", Gill nhận định. Cô lý giải tôm hít cần sa sẽ chịu ảnh hưởng từ chất THC - gây hưng phấn, nhưng chúng sẽ được hấp chín trước khi lên bàn ăn.
"THC bị vô hiệu hóa hoàn toàn ở nhiệt độ 392 độ C, do đó chúng tôi sẽ hấp chín cũng như thực hiện quá trình tăng nhiệt để thịt tôm lên đến 420 độ C, nhằm đảm bảo không có THC tồn dư", Gill khẳng định mình không bán thức ăn chứa cần sa cho khách.
Tuy vậy, một số người thắc mắc vì sao Gill mở nhà hàng tôm hùm nhưng lại quan tâm đến việc chúng cảm thấy thế nào khi bị luộc sống.
Ở Thụy Sĩ, quá trình chế biến tôm hùm cũng vấp phải luồng ý kiến bất bình từ những người bảo vệ động bật. Hồi tháng 3, chính phủ nước này ban lệnh cấm thả tôm hùm sống vào nước sôi. Theo đó, người chế biến cần làm tôm hùm bất tỉnh bằng cách gây sốc điện, phá hủy não...
Ngoài ra, Thụy Sĩ cũng cấm ướp lạnh khi vận chuyển các loài động vật giáp xác tươi sống, chúng phải được chứa trong nước biển gần với môi trường sống tự nhiên nhất.
Tác giả: Phạm Huyền
Nguồn tin: Báo VnExpress