Thế giới

Người đơn độc ủng hộ Donald Trump tại khu phố của nhà Clinton

Là láng giềng của bà Hillary Clinton nhưng lại ngưỡng mộ ông Donald Trump, John Nadler bị xem là người Cộng hòa cô đơn nhất nước Mỹ.


John Nadler cầm biểu ngữ ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: DailyVoice.com

Mùa bầu cử tổng thống Mỹ đã khiến cuộc sống của John Nadler, một cư dân tại khu vực Chappaqua, ngoại ô thành phố New Castle, bang New York đảo lộn. Theo New York Times, người xung quanh nhìn ông bằng ánh mắt cau có hay ngỡ ngàng khi trông thấy áo và tờ rơi in hình ủng hộ Donald Trump của ông. Nadler dường như bị coi là "kẻ phản bội" của khu phố.

Con trai của Nadler từ chối lái xe của gia đình nếu không được trang trí lại và giấu đi ba chiếc mũ lưỡi chai mang khẩu hiệu của Donald Trump: "Make America Great Again" (tạm dịch: Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa) vốn thường được để ngay sau kính trước.

Ngoài những ánh mắt thiếu thiện cảm tại bãi đậu xe hay tại các nhà hàng, sự ghẻ lạnh Nadler phải nhận chưa dừng lại ở đó. Những người quen biết quanh khu vực ông sống đã gần 30 năm nay thậm chí không thèm nhìn mặt ông. Ông được xem như người ủng hộ Donald Trump cô đơn nhất nước Mỹ.

"Những người tôi đã quen biết nhiều năm chỉ gật đầu hoặc nháy mắt hoặc đại loại thế. Không gì khác", ông Nadler, 63 tuổi, nói.

Khắp nước Mỹ, mỗi kỳ bầu cử đều đem đến một sự căng thẳng nào đó cho các khu dân cư. Những ánh mắt bày tỏ sự khó hiểu, những cuộc trò chuyện không còn rôm rả khi những người hàng xóm có lựa chọn trái ngược.

Nhưng trường hợp của Nadler là độc nhất vô nhị, bởi những người láng giềng của ông gồm có cả ông Bill và bà Hillary Clinton. Họ sống trong một ngôi nhà có hàng rào màu trắng, cách nhà ông 1,5 km trên đường Old House Lane. Cả thị trấn đều tự hào, và hết mực trân trọng những cư dân nổi tiếng nhất này.

"Chúng tôi quý bà ấy", Dawn Greenberg, nhà sáng lập của nhóm "Những người ủng hộ Hillary ở Chappaqua nói, trước khi rào thêm một câu: "Bà ấy hẳn là cũng quý mến chúng tôi".

Dù vậy, ông Nadler vẫn kiên định với lập trường của mình, hàng ngày vẫn dốc sức để ca ngợi đối thủ của bà bên phía đảng Cộng hòa.

Hồi tháng trước, trong lễ diễu hành mừng Ngày Tưởng nhớ các liệt sĩ Mỹ, ông đã bị la ó vì cầm theo biểu ngữ ủng hộ Donald Trump, trong khi gia đình nhà Clinton được chào đón nồng nhiệt. Ông Nadler cũng phải từ bỏ kế hoạch tiếp cận ông Bill Clinton để đề nghị ông đội một chiếc mũ có khẩu hiệu của ông Trump.

Ông đã chỉ trích chính quyền địa phương khi họ thường xuyên đăng tải hình ảnh gia đình Clinton trên trang web của thị trấn. Nadler cũng lập ra một nhóm những người đối lập trên Facebook có tên "Láng giềng của Hillary Clinton tại Chappaqua ủng hộ Donald Trump làm tổng thống". Nhóm có hàng trăm thành viên nhưng hầu hết sống ở nơi khác.

Lòng ngưỡng mộ với Trump

Nadler khẳng định có sợi dây liên kết giữa mình và ứng viên đảng Cộng hòa. "Chúng tôi có những suy nghĩ giống nhau như những sinh vật cộng sinh, ông Trump và tôi".

Đó là sự ngưỡng mộ đã được vun đắp qua nhiều thập kỷ. Từng theo học ngành cơ khí và xây dựng, ông Nadler đã dõi theo sự nghiệp của ông Trump từ những năm 1970, và choáng ngợp khi tỷ phú xây dựng lại khách sạn Commodore (hiện là Grand Hyatt) tại Manhattan, nơi Nadler sinh ra.

Ông dõi theo tin tức về mọi thăng trầm của ông Trump trong sự nghiệp cũng như đời tư. Ông cũng không bao giờ bỏ lỡ một phần nào của chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" mà ông Trump từng chủ trì.

Khi còn trẻ, ông Nadler từng chơi nhạc tại Công viên Trung tâm, New York và từng có cảm tình với những người thuộc đảng Dân chủ, như gia đình cựu tổng thống Kennedy. Dù vậy người đàn ông này chưa từng có cảm giác đó với gia đình Clinton, cho dù nói rằng cựu tổng thống tỏ ra hòa nhã khi ông Nadler giới thiệu mình và con khi tình cờ gặp tại siêu thị.

"Ông ấy giả bộ thân thiện, mị dân vậy thôi", Nadler nói.

Kể về cuộc sống của mình, Nadler cho biết mình ông gặp nhiều khó khăn và phải lao động chân tay nặng nhọc. Vài năm gần đây, công việc bị gián đoạn sau khi ông bị ngã trong lúc leo thang và bị gãy xương hông.

Theo Nadler, tỷ phú Trump là ứng viên ông đã chờ đợi từ lâu và có nhiều quan điểm tương đồng với mình, từ cách phát ngôn phóng đại mọi chuyện tới khả năng đàm phán.

Khi ông Trump tuyên bố ra tranh cử hồi năm ngoái, rồi chỉ trích hoạt động nhập cư bất hợp pháp và nêu khả năng xây một bức tường dọc theo biên giới, ông Nadler đã kinh ngạc khi nhận ra suy nghĩ của họ có quá nhiều tương đồng.

"Rất nhiều thứ, tôi cũng đã nghĩ giống ông ấy về IS, về ông Obama, về chính sách với người tị nạn và nhập cư bất hợp pháp", ông nói.

Ông Nadler cho rằng mình và Trump giống như các nhân vật chính trong bộ phim hài "Twins" năm 1988, khi hai anh em song sinh có ngoại hình hoàn toàn tương phản, bị chia lìa từ lúc mới sinh. Nadler tự nhận mình là nhân vật béo, lùn, đầu hói, còn Donald Trump là nhân vật do ngôi sao Arnold Schwarzenegger thủ vai.


Những chiếc mũ mang khẩu hiệu của Donald Trump trên xe của ông Nadler. Ảnh: NY Times

Tại thị trấn này, nơi ông Nadler từ lâu đã được biết đến là người hay châm chọc, ông không có người bạn chung tư tưởng với mình.

Hầu như khắp mọi ngõ ngách của của khu dân cư, đâu đâu người ta cũng có những câu chuyện để kể về gia đình Clinton - từ cậu bé bị thương được ông Clinton ký tên lên chỗ bó bột, tới tiệm làm tóc trên phố King đã tạo kiểu tóc cho bà Clinton, tới chuyện một bé gái nhỏ đuổi theo con chó của gia đình Clinton.

Những người dân địa phương cũng ca ngợi gia đình nổi tiếng tại cửa hàng mà bà Clinton thường tới mua rau củ tươi và bánh nướng xốp vị mật ong.

Những người ủng hộ đảng Dân chủ tại đây cũng được tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để đăng ký bầu cử. Và kể từ khi gia đình Clinton mua nhà tại đây năm 1999, thậm chí cả những cử tri thân phe bảo thủ như ông Nadler cũng phải đánh giá cao tình cảm của gia đình dành cho địa phương.

"Không phải ai cũng phơi bày quan điểm chính trị của mình", Robert J. Greenstein, một viên chức địa phương cho biết. "Nhưng ông ấy (Nadler) có xu hướng đó".

Những người còn lại trong gia đình Nadler thì kín tiếng hơn. Vợ ông, Maria, cũng ủng hộ ông Trump, nếu không muốn nói là ủng hộ sự miệt mài của chồng trong việc quảng bá danh tiếng của tỷ phú này, trên nhiều nhóm Facebook thân Donald Trump.

"Chồng tôi giờ đầy tai tiếng", bà Nadler nói và thở dài. "Việc đó tiêu tốn rất nhiều thời gian của ông ấy".

Bà cho biết hành động phản đối chính trị mạnh mẽ nhất mà bà từng làm là tại một bữa tối, khi bà nhìn trừng trừng Thống đốc New York Andrew M. Cuomo, người sống tại khu vực Mount Kisco gần đó, và là người ủng hộ bà Clinton.

Con trai út của ông Nadler là Stephen, 17 tuổi, thì vẫn hoài nghi về ông Trump.

"Con thấy thật khó tin khi người ta nói rằng ông ấy rất thông minh", Stephen nói trong lúc ngồi chung xe với ông Nadler. "Ông ta có chỉ số IQ 156 đấy!", ông Nadler đáp lại. Dù vậy, không rõ ông Nadler có được thông tin này từ đâu.

Stephen cho biết chiếc xe Chevy Tahoe của gia đình giờ còn nổi tiếng hơn cả chủ, khi nó thường xuất hiện trên phần mềm snapchat của bạn bè tại trường, những người ngạc nhiên về đồ trang trí trên xe. Ông Nadler đã dán nhiều đề can ủng hộ ông Trump vào mặt trong của cửa kính để tránh bị trộm mất.

Ông Nadler còn từng muốn treo một tấm pano có ảnh Donald Trump trong nhà, nhưng không thể thực hiện vì bị vợ phản đối.

Bà Nadler khẳng định chắc chắn rằng còn có những người ủng hộ ông Trump khác trong khu phố, chỉ có điều họ là những người thiểu số lặng lẽ. "Chúng tôi chẳng nói gì, ngoại trừ John".

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP