Trong nước

“Người dân muốn nói mà lại bịt mồm người ta thì ai nói được”

“Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của Đảng cầm quyền.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Bác dặn trước lúc đi xa là Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Muốn dân yêu Đảng, tin Đảng và đi theo Đảng thì cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân; không được tự cao, tự đại, quan liêu, hách dịch với dân”- ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ chia sẻ.

"Một đảng cầm quyền phải thực sự là đảng của dân, do dân và vì dân”.

Ông Nguyễn Đình Hương nói: “Bản “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, làm nổi bật những tư tưởng cơ bản, cốt cách, tâm hồn cao đẹp và đạo đức trong sáng của Người. 50 năm đã trôi qua, nhưng giá trị tư tưởng của Bác trong bản “Di chúc” mãi mãi trường tồn cùng dân tộc ta.

Nhớ về Bác, chúng ta hãy tiếp tục thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua “Di chúc” của Bác. Vận dụng sáng tạo, thực hiện xuất sắc “Di chúc” của Bác trong suy nghĩ, hành động cụ thể là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam.

Điều đó sẽ thật sự có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh, giữ vững cơ đồ, xứng đáng với những gì Bác mong đợi, nhắc nhở chúng ta cho ngày hôm nay và mãi mãi mai sau.

Vì thế cần nhấn mạnh rằng, học tập Bác, làm theo lời Bác dạy, chúng ta phải thấu hiểu được tâm nguyện của Bác.

Tôi về Ban Tổ chức Trung ương năm 1956, nhiều lần được làm việc với Bác. Sau này có dịp tiếp xúc với những đồng chí thân cận với Bác và đặc biệt là ông Vũ Kỳ, tôi càng thấu hiểu điều mà Bác quan tâm nhất là công tác cán bộ, bởi cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề.

Không phải ngẫu nhiên mà trước lúc đi xa, điều đầu tiên, Người căn dặn là về Đảng rằng "Một đảng cầm quyền phải thực sự là đảng của dân, do dân và vì dân”.

Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Việt Dũng

Một Đảng mạnh là Đảng phải đoàn kết.

- Theo ông vấn đề gì là quan trọng nhất đối với một đảng cầm quyền theo tư tưởng của Bác và làm thế nào để “Đảng cầm quyền phải thực sự là Đảng của dân, do dân và vì dân”?

- Khi nói về Đảng, trong “Di chúc”, Bác nhấn mạnh 4 vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là đoàn kết trong Đảng: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Tại sao Bác lại nói đến đoàn kết đầu tiên? Bác đã tiên liệu trước, sau khi giành được chính quyền, nếu công tác tổ chức trong Đảng không được làm khoa học, chặt chẽ, công khai, minh bạch; cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao không được tu dưỡng, rèn luyện thì rất dễ nảy sinh sự kèn cựa, tranh giành lẫn nhau chức quyền.

Điều mà Bác lo lắng nhất là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong hàng ngũ của Đảng rất dễ nảy sinh tư tưởng tự mãn, tự kiêu, tự đại dẫn đến chia rẽ nội bộ, tranh giành lẫn nhau.

Vì vậy, Bác căn dặn phải giữ cho được đoàn kết nhất trí. Vì nó tối quan trọng nên Bác yêu cầu phải giữ gìn “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết tạo ra sức mạnh. Một Đảng mạnh là Đảng phải đoàn kết.

- Biết rõ về Bác và cũng có lần được làm việc với Bác, ông có thể nêu một số việc trong cuộc sống đời thường Bác từng chăm lo cho sự đoàn kết của Đảng?

- Sinh thời Bác đã làm mọi cách để gắn kết các thành viên trong Đảng, đặc biệt là trong Bộ Chính trị.

Hàng chiều thứ 7, Bác thường mời cơm các đồng chí trong Bộ Chính trị. Bác hay bảo đại ý là ăn cơm với nhau, có gì khúc mắc với nhau thì cứ nói hết ra để rồi cùng nhau giải quyết. Sau khi thông rồi thì cùng nhau nhìn về một hướng. Vì thực ra lúc bấy giờ không phải vấn đề gì cũng đều tìm được tiếng nói chung.

Ví dụ, vấn đề quan trọng nhất thời bấy giờ là đánh Mỹ. Đánh đuổi Mỹ thì ai cũng nhất trí, nhưng đánh như thế nào thì cũng còn có ý kiến khác nhau. Có quan điểm nhấn mạnh “phòng ngự rồi mới tấn công”, quan điểm khác lại cho rằng “Cách mạng là chỉ có tấn công”, hoặc “lấy nông thôn bao vây thành thị”, hoặc “ba vùng giáp công”.

- Vấn đề thứ nhất là đoàn kết trong Đảng, vậy vấn đề thứ hai về Đảng mà ông muốn nói đến trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?

- Điều thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là Bác yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Muốn dân yêu Đảng, tin Đảng và đi theo Đảng thì cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân; không được tự cao, tự đại, quan liêu, hách dịch với dân.

Nhất thiết phải phát huy dân chủ rộng rãi. Mà phát huy dân chủ tức là phải để cho dân nói. “Người dân muốn nói mà lại bịt mồm người ta thì ai nói được” - Bác thường căn dặn những người làm công tác tổ chức chúng tôi.

Cán bộ mà làm sai thì phải xin lỗi dân, hứa với dân sẽ sửa chữa. Sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất Bác rất đau lòng. Lúc bấy giờ Bác nói với các đồng chí trong Bộ Chính trị, các đồng chí Trung ương: “Các chú phải xuống xin dân tha thứ vì những lỗi lầm của Đảng”.

- Vậy còn điều thứ ba và thứ tư nữa là gì, thưa ông?

- Điều thứ ba là Bác căn dặn cán bộ phải “Thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Bác rất lo ngại một khi Đảng nắm được quyền lãnh đạo tuyệt đối, nếu nội bộ Đảng không đoàn kết, cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao không chí công vô tư; không cần kiệm, liêm chính thì rất dễ bị tha hóa, biến chất, tham ô, hủ bại dẫn đến phai nhạt lý tưởng, xa rời dân và như vậy sẽ là nguy cơ cho Đảng.

Điều cuối cùng mà Bác căn dặn là công tác chỉnh đốn Đảng. Đảng muốn phát triển và lớn mạnh thì phải không ngừng chỉnh đốn mình. Phải tự phê bình nghiêm khắc, xử lý nghiêm những phần tử thoái hóa, biến chất, không còn đủ tư cách để đứng trong hàng ngũ của Đảng. Phải biết nghe dân phê bình, biết tiếp thu để chỉnh đốn Đảng.

Tuy nhiên, để phê bình và tự phê bình không trở thành “cuộc đấu đá nội bộ, bè phái”, lợi dụng chỉnh đốn Đảng để loại trừ những người không cùng phe nhóm… thì “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi” và đặc biệt Bác nhấn mạnh trong Di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bác Hồ tại phòng làm việc (tháng 4-1957). Ảnh: Tư liệu

Lỗi không phải ở họ mà ở hệ thống.

- Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể cho biết nguy cơ và thách thức nào đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay?

- Kiểm điểm lại việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thấy trong công tác xây dựng Đảng đang đứng trước nguy cơ “3 hóa”.

Cái “hóa” thứ nhất là “tự tha hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Cái “hóa” thứ hai là phân hóa giàu nghèo. Sự phân hóa về giàu nghèo ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng và ai cũng nhận ra trong cuộc sống hàng ngày. Làm giàu đúng nghĩa thì xứng đáng được hưởng thành quả làm ăn của mình, không ai trách cứ gì được.

Tuy nhiên có một thực tế ở nước ta, người làm ăn mà có quyền lực thường không phải đối diện với rủi ro nhờ biết cách len lỏi vào kẽ hở của luật pháp, cũng như không bị sự điều tiết rủi ro của hệ thống, thế là ngày càng trở nên giàu có.

Lỗi không phải ở họ mà ở hệ thống. Làm ăn vừa được đứng ở chỗ cao không ai với tới, vừa tách biệt trong một không gian riêng để mặc sức làm giàu thế là không công bằng.

Cái “hóa” thứ ba là “chuyển hóa”. Đó là sự quan liêu, mất dân chủ đang trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Có những cán bộ lãnh đạo quan liêu, gia trưởng, độc đoán, đặt mình lên trên tập thể, không chịu sự kiểm soát của tổ chức.

Một số lãnh đạo sau khi nắm quyền lực lại “dị ứng” với mở rộng dân chủ, sợ rằng sẽ hạn chế uy quyền của mình dẫn đến dễ lạm quyền, lộng quyền.

Trong khi đó, nhiều đảng viên và cán bộ cấp dưới không dám thẳng thắn sử dụng quyền dân chủ mà Điều lệ Đảng đã trao cho, làm trái ý cấp trên, sợ bị thành kiến, không được lên chức, lên lương, ảnh hưởng đến mình, thậm chí có thái độ xu nịnh, cơ hội. Sự cách biệt trong mức sống, lối sống, cách nghĩ giữa người có chức, có quyền và người dưới quyền ngày càng rõ nét.

- Thưa ông, để học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là những lời dạy tâm huyết của Người trước lúc ra đi, về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đặc biệt, Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Vì sao lại nhấn mạnh không tham vọng quyền lực?

- Quyền lực vốn là một yếu tố tạo nên kỷ luật của tổ chức và kỷ cương trật tự xã hội. Nhưng lòng mê quyền lực, lạm dụng quyền hành lại làm tha hóa con người, làm cho người cán bộ tự huyễn hoặc về những cái mình không có. Lòng say mê quyền lực đồng dạng với óc quân phiệt, quan liêu.

Bệnh này thường gây ra tai hại lớn, làm nội bộ mất đoàn kết, Đảng mất cán bộ và làm hỏng việc.

Bác từng chỉ ra: “Cánh hẩu” là biểu hiện của óc bè phái, ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe. Có những đồng chí còn giữ thói “một người làm quan cả họ được nhờ”, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ”.

“Cánh hẩu” ngày nay đã trở thành “lợi ích nhóm” của một số không nhỏ cán bộ chi phối chính sách, làm sai lệch nguyên tắc tập trung dân chủ, là nguy cơ sự tồn vong của Đảng cầm quyền.

Điều quan trọng nhất là phải chọn ra được một Bộ Chính trị thật chuẩn xác

- Thưa ông, năm 2019 là năm có ý nghĩa đặc biệt: 50 năm thực hiện “Di chúc” của Bác Hồ. Vậy những căn bệnh mà chúng ta vừa phân tích ở trên cần phải được xử lý như thế nào, nếu nhìn từ tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng?

- Thực tế lịch sử từ trước tới nay cho thấy tệ tham nhũng là một căn bệnh khó chữa của các chế độ nhà nước, nó thường xuất hiện cùng với những người nắm giữ trong tay quyền lực. Vì vậy, khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực, để kiểm tra mọi đảng viên và tổ chức đảng.

Hay nói một cách khác, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm soát. Mấy chục năm sau khi thống nhất đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng. Nội dung các văn kiện ấy cơ bản đều đúng nhưng tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm”, mua quan bán chức… gọi chung là thoái hóa, không dừng lại mà còn tăng lên, lan rộng hơn, gây nhức nhối hơn, làm cho lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước giảm sút.

Trong hơn 50 năm làm công tác tổ chức phục vụ nhiều Đại hội Đảng, tôi nghiệm ra điều quan trọng nhất là phải chọn ra được một Bộ Chính trị thật chuẩn xác. Lãnh đạo cấp cao trong sạch thì sẽ hạn chế được rất nhiều tệ lạm dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ dưới quyền; không lo nhóm lợi ích thao túng, lũng đoạn, làm hỏng cán bộ.

Trong cơ cấu tổ chức của chúng ta hiện nay không có một cơ chế nào đủ quyền lực bằng các ủy viên Bộ Chính trị, là trung tâm quyền lực và kiểm soát quyền lực. Chỉ cần mỗi ủy viên Bộ Chính trị trong sạch và không liên quan đến nhóm lợi ích thì đã là hạnh phúc cho Đảng lắm rồi.

Ngoài ra, người đứng đầu các bộ, các ngành, các địa phương phải trong sạch mới kiểm soát được cán bộ dưới quyền lạm quyền. Trong đó, phải nói đến các cơ quan tham mưu như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức, Tổng Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an là những cơ quan giúp Đảng và Nhà nước để kiểm soát tệ tham nhũng, quan liêu có hiệu quả nhất.

Nếu bố trí người đứng đầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra và quản lý cán bộ không chuẩn xác ví như Bao Công mà không có Triển Chiêu. Thực tế đã chứng minh cơ quan tham mưu không sạch thì bỏ sót tội phạm. Các vụ án kinh tế lớn thời gian qua là những ví dụ điển hình.

Xin cám ơn ông!

Tác giả: Lê Thọ Bình thực hiện

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP