Trong đợt khuyến mại lớn trước Tết Nguyên đán, các trang thương mại điện tử đều ghi nhận sức mua tăng mạnh toàn sàn. Các mặt hàng liên quan đến Tết cổ truyền được ưa chuộng.
Khảo sát trên một số sàn thương mại điện tử, các sản phẩm thời trang, làm đẹp, đồ gia dụng, trang trí nhà cửa cùng các sản phẩm đặc trưng dịp Tết như phong bao lì xì, lồng đèn... có mức giá tầm trung khuyến mại 30-50% được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.
Đơn cử, tại sàn thương mại điện tử Shopee, đèn lồng đỏ treo trang trí lễ Tết có giá khoảng 3.000-14.000 đồng/chiếc; hộp mứt Tết giá từ 270.000 đồng; dây treo trang trí khoảng 2.000-35.000 đồng; áo dài Tết khoảng 120.000-600.000 đồng/chiếc...
Hàng hóa Tết đa dạng mẫu mã, giá trên các sàn thương mại điện tử. |
Hàng hóa phong phú
Ngoài ra, các loại đặc sản vùng miền cũng được rao bán trên các sàn thương mại điện tử dịp Tết năm nay như hạt điều rang, cà phê từ Tây Nguyên, hoa quả sấy, thủy hải sản các tỉnh miền Tây, các loại trái cây như bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Vinh, nho Ninh Thuận...
Chị Hồng Nhung (Ba Đình, Hà Nội) cho biết vừa chi hơn 1 triệu đồng mua bánh kẹo, mứt Tết trên sàn thương mại điện tử để mang về quê. "Vì bận công việc, dịch bệnh lại phức tạp nên tôi mua sắm đồ Tết luôn trên mạng, săn sale được mã giảm giá nên giá cũng rẻ hơn", chị nói.
Theo chị Nhung, tất cả mặt hàng từ đồ dùng đến thực phẩm Tết đều có trên mạng. "Muốn mua gì chỉ cần gõ tìm kiếm là có. Đa số có đủ mức giá để lựa chọn, vừa thuận tiện vừa tránh tiếp xúc nhiều người trong thời điểm này", chị chia sẻ.
Trong đợt mua sắm lớn của sàn thương mại điện tử Tiki diễn ra từ 6-13/1, cao điểm là ngày 11/1 doanh thu ngày này tăng gấp 7 lần so với cao điểm sắm Tết năm 2021. Tổng số lượng đơn hàng toàn sàn dịp này cũng tăng gấp 3 lần. Người mua chú trọng hơn đến thời gian giao hàng cũng như chất lượng hàng hóa khi sắm Tết.
Nhiều người tiêu dùng có xu hướng sắm Tết online trên các sàn thương mại điện tử. |
"Cụ thể, số lượng đơn hàng giao nhanh tăng gấp đôi, số đơn hàng chính hãng tăng gấp 4 lần so với Tết năm ngoái. Ngoài ra, người dùng cũng sử dụng mã giảm giá nhiều hơn, gấp 4 lần so với trước. Trong đợt cao điểm này, đơn hàng có giá trị lớn nhất là 230 triệu đồng", đại diện Tiki cho biết.
Tương tự, sàn thương mại điện tử Lazada cũng cho biết các sản phẩm làm sạch và trang trí nhà cửa được chọn mua nhiều, gồm: Thiết bị, vật dụng hỗ trợ dọn dẹp, giặt ủi (cây lau nhà, nước giặt, nước xả vải), nội thất (nệm, ghế)...
Ngoài ra các sản phẩm thời trang, làm đẹp như son môi, nước tẩy trang, áo dài, trang phục đón Tết và túi xách là các sản phẩm ghi nhận số lượng bán ra tăng cao.
Hiện, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh online bán hàng Tết. Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, khách hàng có thể dễ dàng đặt giỏ quà tết và mua sắm với mức giá ưu đãi trên các sàn thương mại điện tử Tiki, ShopeeFood, GrabMart hay kênh mua sắm của Zalo, Facebook, hotline và cả ứng dụng GO! Big C.
Đại diện siêu thị Co.opmart và Co.opXtra ghi nhận sức mua online dịp cận Tết Nguyên đán tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đáng chú ý, năm nay siêu thị cũng triển khai bán online combo mâm cỗ gia tiên 30 Tết gồm bánh chưng, dưa món, gà ta, bánh tét, thịt quay... với mức giá đa dạng theo từng sản phẩm.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ tung hàng loạt chương trình giảm giá sâu cho những mặt hàng như nước mắm, hạt nêm, xúc xích, gạo thơm, mì gói, sữa tiệt trùng... với giá từ 0 đồng đến 1.000- 2.000 đồng. Đồng thời tăng cường lên quầy kệ mặt hàng đặc trưng Tết như mứt các loại, hạt dưa, hạt bí, bánh kẹo...
Doanh nghiệp sản xuất đưa hàng Tết lên chợ mạng
Anh Huỳnh Nhật Duy, đại diện cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm (Gò Công, Tiền Giang) đánh giá năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua dịp Tết của người dân giảm khoảng một nửa so với mọi năm.
Theo anh Duy, trước đây các sản phẩm của đơn vị chủ yếu là tiêu thụ ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ... Nhưng năm nay, hàng hóa còn được đẩy mạnh đưa lên bán trên các trang thương mại điện tử, tham gia trưng bày tại các hội thảo, hội chợ… "Thị trường tiêu thụ trong nước bắt đầu quan tâm hơn đến các sản phẩm mắm này, với lượng khách hàng tìm đến mua cũng nhiều hơn", anh nói.
Tương tự, mùa Tết Nguyên đán năm nay, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị Food) cũng đẩy mạnh bán hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Sendo và ngay tại website bán hàng tết của công ty.
Đại diện công ty cho biết những ngày đầu tháng 1 đã ghi nhận sự thay đổi lớn khi liên tiếp có khách hàng đặt mua, có những khách hàng đặt mua đến 10 hộp mứt Tết. Khách hàng mua bánh mứt kẹo tết qua các kênh online dịp này còn nhận được những ưu đãi như mã giảm giá, miễn phí vận chuyển, và cả mức giảm khoảng 10-30% giá bán theo từng sàn.
Hộp quà Lộc Xuân có giá 99.000-199.000 đồng. Ảnh: Hữu Nghị Food. |
"Mua hàng online đang dần trở thành xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn vì tiện lợi, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, mọi người muốn hạn chế tiếp xúc hoặc đến nơi đông người thì mua sắm online lại càng trở thành giải pháp tối ưu. Vì vậy, kênh thương mại điện tử sẽ không chỉ được đơn vị triển khai mạnh mẽ trong dịp Tết này mà còn được thực hiện với các sản phẩm khác trong năm", đại diện công ty này nhìn nhận.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng dịp Tết 2022 của Kantar cho biết nhiều người vẫn thận trọng trong việc đi ra ngoài và gặp gỡ, do đó cách mua sắm đón Tết Nguyên đán 2022 của người Việt cũng sẽ có nhiều thay đổi.
"Với sự thay đổi nhanh chóng trong những tháng gần đây, mọi người ngày càng quen thuộc hơn với siêu thị nhỏ và mua sắm trực tuyến để hạn chế đông người. Hai kênh này dự kiến sẽ còn tăng tốc hơn nữa", báo cáo nêu rõ.
Tác giả: Thanh Thương
Nguồn tin: zingnews.vn