Những ngày này, đến làng Đỗ Xuyên, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, không khó để bắt gặp cảnh từng “tiểu đội” mang theo túi, gậy reo hò: “Chuột, chuột đây rồi... cuối cùng cũng tóm được mày”.
Họ đều là những thợ săn chuột chuyên nghiệp, bao gồm cả người già và trẻ nhỏ. Người ít thì vài năm, người nhiều có đến 40 năm kinh nghiệm trong nghề săn chuột.
“Hốt” bạc từ chuột
Thấy chuột trong hang chạy ra hòng trốn thoát, đội quân của ông Toán “chuột” (49 tuổi) trong tích tắc đã dùng gậy tóm gọn. Cầm chú chuột béo mũm mĩm trên tay ông Toán cho biết, sở dĩ mọi người gọi ông là Toán "chuột" bởi tuổi nghề gần ngót tuổi đời.
Người dân trong làng cho biết, mùa chuột bắt đầu từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11 (âm lịch), thời gian vụ gặt chiêm vừa xong cho tới trước khi nước ải về phục vụ trồng lúa đông - xuân. Đây là thời điểm người dân trong làng mong chờ nhất trong năm.
Một góc nhỏ của phiên chợ chuột làng Đỗ Xuyên. |
Anh Nguyễn Văn Dương (41 tuổi, ở làng Đỗ Xuyên), với kinh nghiệm 12 năm săn chuột cho biết: “Trung bình một ngày, 4 người có thể bắt 40 - 50kg chuột đồng. Phương pháp bắt chuột được linh động theo từng tình huống cụ thể, chủ yếu là đuổi, đánh bẫy và đào.”
Cụ thể, ban ngày chuột sẽ lẩn trốn trong hang, anh Dương và nhóm sẽ mang theo chó để săn chuột. Khi chó phát tín hiệu có chuột, nhóm sẽ dùng cách hun khói, đổ nước, hoặc đào để bắt. Ban đêm là “thời điểm vàng” chuột đi kiếm ăn, cả nhóm đeo đèn pin, đuổi chuột bắt bằng vợt và đặt bẫy.
Theo ông Bùi Văn Bích, 50% người dân trong làng Đỗ Xuyên đều tham gia đào chuột. Hiện tại, chuột đang được bán với giá 100 nghìn đến 120 nghìn đồng/kg. Trung bình một người có thể kiếm được 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày từ việc săn chuột.
Những ngày cuối mùa lượng chuột đồng đã vãn, để kiếm thêm thu nhập một số người dân trong làng còn vượt cả trăm cây số sang Thái Bình, Hà Nam… để bắt chuột. |
Chợ chuột luôn "cháy hàng"
Chuột sau khi được bắt sẽ được nhúng vào nồi nước sôi, sau đó cạo sạch lông, mổ lấy ruột. Nhiều nhà thường bỏ chân, bỏ đầu… đem đi thui vàng trên ngọn lửa hồng. Tiếng rơm cháy tí tách, hương chuột thơm lừng khắp ngõ. Sau 2 lần thui, những chú chuột vàng ươm được đưa lên xe để ra chợ bán.
Chuột đồng ngon nhất với trọng lượng từ 200-300gram/con. |
Trong làng, từ già trẻ, lớn bé đều nghiện món thịt chuột. Chuột được chế biến với đủ cách như luộc, hấp sả, nấu giả cầy, xào sả ớt,.. Món phù hợp với khẩu vị của nhiều người nhất có lẽ là thịt chuột hấp lá chanh. Chuột hấp có vị dai chắc, ngọt... được ví như gà đồng, chấm cùng một chút muối tiêu, chanh là món ăn đặc trưng làm nên thương hiệu của làng Đỗ Xuyên.
Chợ chuột thường họp từ 15h đến 17h chiều, và chỉ họp vào 3 tháng cuối năm. Thịt chuột luôn bán hết trong ngày, thậm chí "cung” không đủ đáp ứng “cầu”. Số lượng thịt chuột tiêu thụ tại các chợ trong thôn lên tới cả tạ thịt mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thị Ánh hơn 20 năm bán chuột tại chợ. |
“Chuột vừa mới bắt buổi sáng, nhà tôi vừa làm xong đấy, cô mua nhanh không 30 phút nữa quay lại không còn con nào đâu”, tiếng chị Nguyễn Thị Ánh (45 tuổi) đon đả mời khách.
Gia đình chị Ánh đã bán chuột được 20 năm nay, từ hồi chuột chỉ có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, nay giá thịt chuột đã tăng gấp đôi. Chuột nhà chị bán chủ yếu do chồng và chú bắt buổi sáng, chiều chị thịt chuột và mang ra chợ bán luôn. Chị Ánh không nhớ nổi số lượng chuột mình bán từ đầu mùa đến nay là bao nhiêu kg nữa.
Cơm ngon phải có thịt chuột
Chiều nay nhà có khách, ông Bùi Quang Văn (56 tuổi) lại ra đầu làng ghé mấy quán quen mua chuột. Ông chọn cho mình con chuột to béo nhất với giá 75.000 đồng để làm món thịt chuột xào sả ớt.
Những hàng thịt chuột tại chợ chỉ 2-3 tiếng là "cháy hàng". |
“Bạn tôi từ xã khác sang thăm, lần nào cũng hỏi thế hôm nay có được ăn món “gà đồng” không. Chuột vào cuối vụ rồi, hôm nào tôi cũng tranh thủ mua để ăn, không phải chờ đến sang năm mới được thưởng thức. Thịt chuột thơm dai, không khác gì gà thả đồi. Ai ăn thử đôi ba lần là nghiện ngay thôi”, ông Văn chia sẻ.
Chuột không chỉ được bán cho người dân trong thôn. Nhiều người nơi khác nghe danh thịt chuột làng Đỗ Xuyên cũng tìm đến tận nơi để mua. Mỗi thực khách ngang qua, họ vẫn không quên hương vị đặc sản của vùng quê thanh bình này, dù chỉ thưởng thức một lần là đủ để nhớ mãi.
Tác giả: VŨ VÂN
Nguồn tin: Báo VTC News