Những công chức nào bị nghi dính líu vụ Tenma hối lộ?
Liên quan nghi án Công ty TNHH Tenma Việt Nam hai lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, ngày 26/5, Tổng cục Hải quan đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 27/5/2020) đối với ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra sau thông quan) để tập trung tổ chức phục vụ đoàn Thanh tra Bộ Tài chính và rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Đoàn kiểm tra sau thông quan và người đứng đầu liên quan trong việc kiểm tra sau thông quan đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam.
Cùng bị tạm đình chỉ còn có ông Dương Minh Khải, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Văn Phúc - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; ông Vũ Quang Hà - Đội trưởng đội nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Bắc Ninh; ông Nguyễn Lưu Bình Trọng, công chức Chi cục Hải quan cảng nội địa Tiên Sơn và bà Nguyễn Thị Hảo, công chức Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.
Trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Dân Việt. |
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng Việt Nam cần thu thập tài liệu chứng cứ, hồ sơ kê khai về thuế từ Công ty Tenma Việt Nam; từ cơ quan thuế, hải quan địa phương Bắc Ninh cũng như liên hệ với các cơ quan bên Nhật Bản để đề nghị cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan nhằm cùng phối hợp điều tra.
Quá trình điều tra xác minh sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản về thuế áp dụng đối với Tenma Việt Nam để xem xét Tenma Việt Nam đang được hưởng những ưu đãi gì về các loại thuế, trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp này như thế nào và hiện công ty này đã thực hiện được đến đâu.
Đồng thời cần làm rõ, quá trình thực hiện kê khai nộp thuế của Tenma Việt Nam với cơ quan chức năng thuế Bắc Ninh được thực hiện ra sao, trình tự thủ tục đã đúng quy định pháp luật hay chưa, có hay không hành vi hối lộ, nhận hối lộ. Từ đó mới có cơ sở kết luận sự việc báo Nhật phản ánh có đúng hay không và có hướng xử lý phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Tội nhận hối lộ xâm hại quan hệ xã hội bảo đảm uy tín và tính vô tư, chính trực của hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Đối tượng tác động của tội phạm chính là hoạt động thực hiện công vụ, nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, chủ thể của tội này chỉ có thể là người có chức vụ quyền hạn mà với chức vụ quyền hạn đó có thể thực hiện được việc làm hoặc không làm mà người đưa hối lộ yêu cầu. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ thì bị xử lý theo quy định tại điều này.
Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất hoặc tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 2.000.000 đồng trong một số trường hợp nhất định) cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ có thể bị xử phạt về tội nhận hối lộ. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp và động cơ của người phạm tội là động cơ vụ lợi. Do đó, mức hình phạt cao nhất đối với tội này có thể lên đến tù chung thân hoặc tử hình nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tại điều 364 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội đưa hối lộ. Theo đó người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích phi vật chất hoặc tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì có thể bị xử lý về tội đưa hối lộ. Mức hình phạt cao nhất của tội này có thể lên đến 20 năm tù nếu của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.
Luật cũng quy định người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Ngày 12/5, báo chí Nhật Bản đưa tin Công ty Tenma Nhật Bản đã khai báo với các nhà chức trách Nhật về việc công ty con là Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (5,4 tỷ đồng) cho một số cán bộ, công chức Việt Nam. Số tiền này được cho là "sáng kiến... đánh đổi" việc công ty này phải nộp khoản thuế giá trị gia tăng cho Nhà nước Việt Nam khoảng 400 tỷ đồng. Sự việc đang được phía Nhật Bản tích cực điều tra và các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang trong quá trình thanh tra, rà soát đối tượng vi phạm nêu trên. |
Tác giả: Hải Ninh