Ngày 18-10, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã trao đổi với báo chí sau khi công an phát hiện đường dây mua - bán thận với giá hàng trăm triệu đồng mỗi quả thận và việc lấy thận cũng như ghép thận diễn ra tại bệnh viện này.
GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, theo luật, mọi người trưởng thành đều có quyền hiến thận, không yêu cầu có cùng huyết thống. Đây cũng là kẽ hở để nhiều trường hợp lợi dụng.
Cách đây 2 tháng, Công an TP. Hà Nội đề nghị bệnh viện phối hợp điều tra một đường dây mua bán thận với giá lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi quả.
GS Trần Bình Giang khẳng định chưa phát hiện trường hợp mua-bán thận tại bệnh viện |
Qua rà soát, BV phát hiện 5 cặp cho – nhận không cùng huyết thống được ghép tại BV Việt Đức. Tuy nhiên khi kiểm tra kĩ, cả 5 trường hợp đều đủ yêu cầu, đảm bảo người hiến khi đăng ký phải có ít nhất 2 người ruột thịt trong gia đình (bố, mẹ hoặc vợ, chồng) cùng có mặt và cùng đồng ý ký vào giấy cam kết. Các mối quan hệ này phải được địa phương chứng nhận.
Cặp đầu tiên, người nhận là anh Q.H.N, 36 tuổi ở Phú Thọ, đã lọc máu chu kỳ 5 năm, người hiến là chị C.T.T.N, 30 tuổi ở An Giang. Khi đăng ký, bố và chồng của chị N. cùng đến BV Việt Đức ký cam kết.
Cặp thứ 2, người nhận là bệnh nhân P.T.T.X, 43 tuổi, ở Hải Dương, đã lọc máu chu kỳ 10 năm, người cho là H.N.T, 30 tuổi ở Quảng Trị. Khi ký giấy cam kết, cả mẹ và vợ anh T. cùng có mặt và cùng ký.
Cặp 3 là bệnh nhân Đ.H.N, 43 tuổi, ở Hà Nội, nhận tạng từ người hiến V.T.Đ, 25 tuổi, ở Lạng Sơn, cũng có mẹ đẻ và vợ đến viện ký cam kết.
Cặp 4 là bệnh nhân T.V.H, 26 tuổi, ở Bắc Ninh, nhận tạng từ người hiến là P.V.H, 27 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến ký cam kết.
Cặp thứ 5 là bệnh nhân Đ.D.M, 40 tuổi, ở Hà Nội, nhận thận từ người hiến L.Đ.V, 28 tuổi ở Lạng Sơn, có vợ và mẹ đẻ đến nghe và ký cam kết.
“Bệnh viện đã làm theo quy trình rất chặt chẽ, tuyệt đối không có chuyện nhân viên y tế móc nối để làm giả hồ sơ. Nếu phát hiện cán bộ y tế có liên quan, chắc chắn tôi sẽ đuổi việc", GS Giang cho biết.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BV Việt Đức chia sẻ thêm, hầu hết những trường hợp đến hiến thận thường chỉ định luôn người nhận, chỉ có một số ít trường hợp hiến tạng cho người xa lạ.
Bản thân ông đã từ chối nhiều ca ghép thận ngay trước giờ phẫu thuật do nghi ngờ có khuất tất. Trong đó có nhiều trường hợp “khất” 1 - 2 giấy tờ còn thiếu đến sát ngày mới nộp, trường hợp khác không có người thân đi cùng.
PGS Nghĩa cho biết, hiện mỗi tuần BV Việt Đức thực hiện 4-6 ca ghép thận. Với người hiến, sẽ phải làm hàng loạt xét nghiệm sàng lọc như viêm gan B, C, HIV… với chi phí khoảng 20 triệu/người do BHYT chưa chi trả.
Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích về nguy cơ của việc hiến tạng cho người hiến và gia đình. Nếu cả người hiến và gia đình đều đồng ý, sẽ tiến hành xác minh pháp lý.
Để chặt chẽ, BV Việt Đức yêu cầu phải có ít nhất 2 người thân trên 18 tuổi cùng đi với người hiến, cùng ký cam kết, mang theo các giấy tờ bản gốc có tính pháp lý chứng thực quan hệ gia đình. Bộ hồ sơ pháp lý sẽ được văn phòng công chứng xác minh và sao y bản chính để bệnh viện lưu trữ, xem xét.
Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ hoà hợp miễn dịch của người cho – người nhận trước khi hội chẩn ghép tạng.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet