Những tranh cãi quanh quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03 khiến doanh nghiệp khó nhập xe về Việt Nam lại được nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 4/7.
Theo ông Toru Kinoshita, Trưởng Nhóm công tác Ôtô và Xe máy, người cũng là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), một số quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017 và thực thi Nghị định 140/2016 về Lệ phí trước bạ hiện khiến "thị trường ôtô Việt Nam bất ổn".
Dẫn dữ liệu của VAMA, ông cho biết hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp ôtô ở Việt Nam giảm 31% từ khi Nghị định 116 có hiệu lực ngày 1/1.
Xe nhập khẩu gặp khó sau Nghị định 116 có hiệu lực từ 1/1/2018. Ảnh: A.Q |
Ông Toru Kinoshita cũng dẫn chứng, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu từ các nước phát triển như Nhật Bản, châu Âu ... trong nửa đầu năm 2018. Hàng loạt đơn hàng xe nhập cho các tháng đầu năm 2018 đã bị hủy. "Việc hủy đơn hàng đe dọa tới hàng ngàn việc làm, cả lao động trực tiếp cũng như từ đại lý các hãng xe. Khách hàng buộc phải chờ đợi lâu hơn để có xe do thiếu nguồn cung từ đầu năm. Bất ổn này xảy ra với cả doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp trong nước", ông nói.
Chưa kể, tính hồi tố của Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, theo ông, đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và công ty sản xuất, lắp ráp xe trong nước khi họ không đủ thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện các giấy tờ theo yêu cầu.
Thống kê của nhóm công tác này, 3 tháng đầu năm 2018 đã có một lô hàng được nhập tại cảng TP HCM và cảng Hải Phòng, song thời gian thử nghiệm khí thải và an toàn đã gần 3 tuần. Thời gian chờ thử nghiệm có thể kéo dài hơn với các lô xe nhập từ Thái Lan, Indonesia đang tăng lên sắp tới. Không có chiếc xe nào xuất xứ từ châu Âu được nhập về do vướng quy định mới về giấy chứng nhận kiểu loại VTA.
Cũng tỏ ý lo ngại về Nghị định 116, ông Nicolas Audier - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, thời điểm có hiệu lực của nghị định này được thông báo gấp, thiếu thời gian chuyển tiếp hợp lý, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu, khiến họ phát sinh chi phí khi xe về cảng mà không thể thông quan. Điều này khiến các chi phí hậu cần và vận hành tăng cao từng ngày.
"Nghị định 116 và Thông tư 03 có yêu cầu về thử nghiệm với từng lô xe nhập khẩu trái ngược hoàn toàn cam kết giữa EU và Việt Nam trong cam kết tự do thương mại Việt Nam - châu ÂU (EVFTA) về chấp nhận chứng nhận ECE đối với xe nhập khẩu, phụ tùng và linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại", đại diện EuroCham nêu.
Trên cơ sở này, Nhóm công tác Ôtô và xe máy tiếp tục đề xuất, tất cả xe nhập khẩu đã cập cảng Việt Nam từ 1/1 đến 30/6 được coi là “trên đường” và được miễn Nghị định 116, Thông tư 03 về quy định thử nghiệm khí thải, chứng nhận kiểu loại xe.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc việc xóa bỏ yêu cầu về chứng chỉ VTA của nước ngoài đối với xe nhập khẩu”, ông Kinoshita nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cho rằng đã không có đủ thời gian để chuẩn bị với những thay đổi tại Nghị định 116. |
Ngoài ra, nhóm công tác này cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương không áp dụng hồi tố yêu cầu phải có đường thử xe chiều dài tối thiểu 800 m, tối thiểu 400 m đường thẳng trước ngày 17/4/2019.
Còn EuroCham thì đề xuất thử nghiệm đăng kiểm nên giới hạn thực hiện ở lô đầu tiên của các mẫu xe mới và không nên lặp lại cho các lô xe cùng chủng loại tiếp theo. Bên cạnh đó, yêu cầu thử nghiệm theo từng lô chỉ nên duy trì với các mẫu xe cơ sở nếu như có nghi ngờ nghiêm trọng về gian lận.
Phản hồi trước những đề nghị từ các nhà kinh doanh xe ngoại, ông Nguyễn Văn Công – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, quy định kiểm tra xe theo từng lô nhập khẩu hiện nay "là cần thiết, nhằm đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng ôtô nhập, tạo bình đẳng với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và quyền lợi người tiêu dùng".
Ông Công dẫn lại trường hợp Công ty Ford Việt Nam, nhập về Việt Nam 4 kiểu loại xe khác nhau và khi tiến hành kiểm tra khí thải từng lô theo quy định thì chỉ có một nửa đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4, buộc phải tái xuất ra nước ngoài theo quy định tại Nghị định 116.
"Quy định buộc kiểm soát chất lượng khí thải, hay kiểm nghiệm theo lô... sẽ tránh nảy sinh bất cập, gian lận trong khâu nhập khẩu, dẫn đến chất lượng của các xe nhập về không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng", lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định.
Vài ngày trước, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến, kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp đánh giá thực hiện Nghị định 116. Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ, khuyến khích sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, tạo ra các sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng... trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc cam kết hội nhập. Ông yêu cầu các bộ, ngành khi tham mưu xây dựng chính sách phải đảm bảo nguyên tắc này.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn khoản 1 Điều 6 Nghị định 116 về quản lý chất lượng ôtô sản xuất lắp ráp, đảm bảo ban hành trong tháng 10/2018 để các doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện sản xuất ôtô theo quy định mới. Nội dung quy định phải phù hợp với thực tiễn, đơn giản hoá các điều kiện cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển.
Bộ Công Thương được giao xem xét, hướng dẫn quy định cụ thể về đường thử với ôtô theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tác giả: Nguyễn Hoài
Nguồn tin: Báo VnExpress