Du lịch

Nghệ An: Về với Di tích lịch sử Cây Đa Làng Trù hơn 300 tuổi

Với di tích lịch sử văn hóa hơn 300 tuổi, cây đa Làng Trù là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn phất cao ngon cờ khởi nghĩa trong thời kỳ cách mạng 1930 – 1945 .

Cây Đa làng Trù (xã Nghĩa Khánh) là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn trong thời kỳ cách mạng 1930 - 1945. Ngày 20/8/2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận Cây đa làng Trù là di tích lịch sử cách mạng. Năm 2016, Hội sinh vật cảnh Việt Nam quyết định công nhận Cây đa Làng Trù là cây cổ thụ di tích lịch sử văn hóa tròn 300 tuổi.

Ngược dòng thời gian, ngày 19/5/1945, Ban vận động Việt Minh Liên tỉnh Nghệ Tĩnh được thành lập. Sau khi thành lập, Mặt trận Việt Minh liên tỉnh đã kêu gọi: “Toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để diệt trừ phát xít Nhật, kẻ thù số một lúc này của nước ta và phá tan mưu mô khôi phục chính quyền của đế quốc Pháp…”. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, tru(huyênng tuần tháng 6/1945, tại xóm Bàu, xã Nghĩa Khánh, Mặt trận Việt Minh huyện Nghĩa Đàn thành lập, sau đó ra quyết định: “Phát động quần chúng nhân dân đứng lên kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền”.

Cây đa Làng Trù (Nghĩa Đàn) là một địa chỉ đỏ ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng.

Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa của Việt Minh liên tỉnh đã về tới huyện Nghĩa Đàn, mặt trận đã cho tổ chức ngay một hội nghị để phổ biến lệnh khởi nghĩa và thành lập Ủy ban khởi nghĩa huyện. Sáng 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Ủy ban Khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng ngàn quần chúng nhân dân thuộc 3 dân tộc là Kinh, Thái và Thổ của các tổng Cự Lâm, Hạ Sưu, Thạch Khê, Nghĩa Hưng... và đông đảo lực lượng công nhân trong các đồn điền cao su, cà phê vùng Phủ Quỳ mang theo các loại vũ khí thô sơ như súng kíp, gậy gộc, cuốc, thuổng, giáo mác... tập trung tại cây đa Làng Trù (Vĩnh Lại) giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu cách mạng, rầm rộ tổ chức biểu tình thị uy, kéo về trung tâm huyện lỵ Nghĩa Đàn, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đó, ngày 22/8 đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn, cây Đa làng Trù trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghĩa Đàn.

Để góp phần bảo lưu những giá trị truyền thống cách mạng, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, tri ân những người có công, từ năm 2008, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Khánh đã lấy ngày 22/8 làm ngày truyền thống của xã. Lễ hội “Cây đa Làng Trù ” hàng năm có sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân các dân tộc xã Nghĩa Khánh và các vùng lân cận trong không khí tưng bừng náo nhiệt. Tại lễ hội này, với lòng thành kính, Đảng bộ và nhân dân đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực như: mít tinh, dâng hoa, dâng hương tại đài tưởng niệm liệt sỹ xã, cây Đa làng Trù. Bên cạnh các hoạt động văn hóa tâm linh, nhân dân còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí như thi cắm trại, văn nghệ, thể thao…

Tác giả: LÊ THÀNH

Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP