Cán bộ Đoàn thanh niên và UBND xã Thanh Dương, Thanh Chương (Nghệ An) cắm biển cảnh báo đuối nước. Ảnh: Quang Đại |
Theo đó, từ ngày 1.4 đến đầu tháng 7/2022, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 21 vụ tai nạn đuối nước, làm 25 người chết.
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước.
Thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại địa bàn, lĩnh vực đơn vị phụ trách; định kỳ hoặc đột xuất phải trực tiếp kiểm tra tại các tuyến, địa bàn, vị trí có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn đuối nước tại các địa phương, trong đó tập trung tại các địa phương có nhiều vụ tai nạn đuối nước trẻ em hoặc tai nạn đuối nước nghiêm trọng.
Rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương; đồng thời, tham mưu, đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tổng rà soát, điều tra cơ bản, lập danh sách cụ thể các địa điểm, vị trí nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết đình chỉ các bến đò ngang, đò dọc tự phát, phương tiện đường thủy nội địa không bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định, nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy và đuối nước. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực 24/24 giờ, bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện kịp thời tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố đuối nước xảy ra.
Tổ chức tập huấn, huấn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về cứu nạn, cứu hộ để nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng khác có liên quan, chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống, sự cố.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn bảo đảm phù hợp tình hình thực tế; gắn trách nhiệm đối với các phòng, ban, địa phương trong việc triển khai các giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước trên địa bàn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể việc triển khai các giải pháp đối với từng khu vực, địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên cơ sở danh sách rà soát của lực lượng Công an.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống đuối nước. Trường hợp đơn vị, địa phương để tình hình tai nạn đuối nước diễn biến phức tạp hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng, UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao động