Năm nay gia đình ông Trần Trí, xóm 3, xã Hồng Thành (Yên Thành, Nghệ An) đầu tư trang trại chăn nuôi vịt thịt với quy mô lớn. Tính đến nay, chi phí cho 13.000 con vịt giống rồi thức ăn, phòng dịch, chuồng trại... đã ngốn của gia đình ông gần 500 triệu đồng.
Thế nhưng, vịt thịt đã đến kỳ xuất chuồng ông Trí liên hệ với nhiều thương lái nhưng vẫn chưa bán được. Chậm xuất chuồng, mỗi ngày đàn vịt gia đình ông Trí ngốn thêm 6 triệu đồng tiền thức ăn.
Theo ông Trí, giá vịt thịt hiện tại từ 20-22 ngàn đồng/kg, giảm 10-12 ngàn đồng so với năm ngoái. Hiện gia đình ông đã hạ giá vịt xuống nhưng vẫn vắng khách. “Tính ra gia đình đang lỗ gần 300 triệu đồng. Không có cách nào khác nên đang huy động người thân bán lẻ tại các chợ quê nhưng sức tiêu thụ rất kém. Kiểu này không biết sẽ như thế nào nữa”, ông Trí giọng buồn buồn chia sẻ.
Chung cảnh ngộ, ông Võ Khắc Thư, xóm Nam Lai, xã Phú Thành (Yên Thành) cũng đang điêu đứng vì tổng đàn vịt thịt gần 3.000 con chưa bán được do giá cả xuống thấp. “Vừa rồi gia đình đã thua lỗ vì chăn nuôi lợn thịt, nay lại đến vịt. Đầu mùa gia đình vay mượn gần 100 triệu đồng để mua hơn 3.000 con vịt giống. Gần 3 tháng lăn lộn, ăn ngủ cùng vịt đến ngày xuất bán thì bất ngờ giá vịt giảm mạnh. Giờ bán rẻ cũng chẳng ai mua”, ông Thư nói như khóc.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn Yên Thành đang điêu đứng vì vịt giảm giá, không bán được. Tại các địa phương khác của huyện Yên Thành, giá vịt thịt giảm mạnh so với năm trước đang khiến người nông dân đứng ngồi không yên.
Ông Phan Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Hồng Thành (Yên Thành) cho biết: “Năm nay toàn xã nuôi khoảng 32.000 con vịt (trong đó có 60% vịt thịt và 40% vịt đẻ), so với năm ngoái thì năm nay giá cả giảm mạnh chỉ bằng một nửa. Xã cũng biết thực tế này nhưng không có cách nào khác để giúp nhân dân tiêu thụ”.
Người chăn nuôi đang chịu sức ép lớn trong việc duy trì nguồn thức ăn mỗi ngày với chi phí rất tốn kém. Chưa hết, khu vực chăn thả tự do cũng không còn. Bởi ở Yên Thành, vịt thịt hầu hết được chăn thả trên đồng ruộng. Nay vụ gặt đã xong, vụ hè thu đã cấy gần khép kín diện tích nên không có nơi chăn thả vịt.
Được biết số lượng đàn vịt tại huyện Yên Thành chiếm tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh Nghệ An. Hiện toàn huyện có khoảng gần 590 ngàn con vịt. Nhưng nay, giá vịt thịt giảm mạnh so với năm ngoái khiến nông dân méo mặt vì lỗ nặng.
Bà Đào Thị Điểm - chuyên viên phòng NN&PTNT Yên Thành cho biết: “Thực trạng vịt ế không bán được đang diễn ra tại nhiều xã. Huyện đang nỗ lực tìm đầu ra cho bà con bằng cách liên hệ với các thương lái từ các vùng miền khác nhau. Nguyên nhân giá vịt thịt giảm mạnh là do vịt thịt từ các tỉnh phía Bắc tràn về khiến cung vượt cầu”.
Giải pháp nào cho nông dân?
Những hộ chăn nuôi vịt tại huyện Yên Thành nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An nói chung đang đứng ngồi không yên bởi vịt đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không bán được. Không chỉ lỗ nặng vì giá vịt thịt giảm sâu, người chăn nuôi nơi đây còn “lỗ kép” khi mà mỗi ngày phải bỏ ra hàng triệu đồng để duy trì đàn.
Chỉ mới cách đây chưa lâu, giá thịt lợn giảm đã khiến hàng chục hộ nông hộ dở khóc, dở mếu... Hết lợn đến vịt, giá xuất chuồng giảm mạnh đã làm người nông dân hụt hơi.
Trước thực tế người nông dân chăn nuôi vịt không tiêu thụ được, ông Đặng Văn Lập - Phó giám đốc sở NN&PTNT Nghệ An cho biết chưa có giải pháp nào trong việc tiêu thụ.
Về nguyên nhân, ông Lập nhận định: “Năm nay do lợn xuống giá, việc tiêu thụ lợn mạnh nên vịt bị ế. Đây là hệ quả của việc sản xuất chăn nuôi không có liên kết. Cũng theo ông Lập, sản xuất chăn nuôi đã có quy hoạch nhưng cần phải quy hoạch chung cho cả nước rồi phân chia từng vùng chứ không nên riêng lẻ, mạnh ai nấy làm như hiện nay. Thêm vào đó, sản xuất chăn nuôi đang nhỏ lẻ theo nông hộ nên rất khó quản lý”.
“Ế là do người chăn nuôi, nuôi nhiều quá, trong một thời điểm ngắn, không tính thị trường đầu ra. Chúng tôi đang lo đến việc tái đàn trở lại như thế nào sau những sự cố rớt giá sản phẩm nông nghiệp như hiện nay”, ông Lập cho biết thêm.
Trước thực tế này nhiều hộ nông dân đang “điêu đứng”, cố nuốt nước mắt để chịu đựng. Không biết bao giờ thực trạng này mới chấm dứt? Người chăn nuôi vịt không còn chịu cảnh mất giá như thế này nữa.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tú
Nguồn tin: