Xã hội

Nghệ An: Ngang nhiên lập 'BOT' thu phí xe tải qua làng

Hơn 3 năm nay, mỗi xe tải 'lạ' ra vào con đường thuộc bản Quang Thịnh (xã Tam Đình, huyện Tương Dương, Nghệ An) đều phải nộp phí. Đối với xe lớn là 20.000 đồng/lượt, xe nhỏ 10.000 đồng/lượt. Sự việc này diễn ra trong thời gian dài nhưng các cấp chính quyền chưa hề có động thái xử lý khiến nhiều tài xế bức xúc…

Tổ tự quản bản Quang Thịnh đang thu tiền các tài xế chở đá ra vào bản. Ảnh: Minh Thùy

Ngang nhiên lập trạm thu phí

Theo phản ánh của nhiều lái xe, mỗi lần vào mua đá thuộc xã Tam Đình (huyện Tương Dương), họ phải nộp "phí" qua làng. Đối với xe nhỏ là 10.000 đồng/lượt và xe trọng tải lớn là 20.000 đồng/lượt. Số tiền này được nộp cho một người dân đứng chặn ở đầu đường mỗi lần xe lấy đá đi ra.

Để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên, PV có mặt tại bản Quang Thịnh và trực tiếp chứng kiến sự việc đúng như phản ánh. Tại đầu con đường nhỏ từ QL7A dẫn vào 2 mỏ đá thuộc xã Tam Đình luôn có một người đàn ông đi qua đi lại chờ những chiếc xe tải đi qua để thu "phí". Đối với những chiếc xe tải chở đá lớn nhỏ có in dòng chữ Đại Nam, người gác chốt không thu. Đây là con đường dẫn vào 2 mỏ đá duy nhất của xã Tam Đình nói riêng và huyện Tương Dương nói chung nên lượng xe khá lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn có 5 chiếc xe tải lớn nhỏ ra vào lấy đá.

Đây là con đường duy nhất mà những chiếc xe tải lớn nhỏ phải đi qua khi muốn vào lấy đá tại 2 mỏ đá. Việc thu tiền không hề có hóa đơn chứng từ nào. Qua tìm hiểu được biết, có những ngày lượt xe ra vào lên đến 40 - 50 chiếc.

Anh H.V.H (một tài xế xe tải) cho biết: "Vấn đề thu tiền xe tải mỗi khi qua làng đang gây bức xúc cho không ít lái xe và người dân trên địa bàn. Nếu Nhà nước thu để làm đường, hoặc nhằm mục đích duy tu, tôn tạo, bảo dưỡng đường thì chúng tôi không tiếc và sẵn sàng chấp hành. Tuy nhiên, nhiều năm qua, có người đứng ra thu và không hề có hóa đơn, chứng từ gì. Vậy số tiền này rơi vào túi ai? Ai đang quản lý và tiền này sử dụng vào những mục đích gì? Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ và xử lý".

Cùng chung tâm trạng bức xúc, một lái xe tên T đặt câu hỏi: "Hàng ngày, có một lượng lớn xe tải chở đá qua lại nơi đây nên số tiền thu không phải là ít. Ai là người quản lý những số tiền này? Việc thu này có đúng luật hay không? Chính quyền địa phương liệu có biết?".

Chính quyền xã biết rõ việc thu trái luật

PV làm việc với ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình (bên phải).

Ông Ngân Trung Thành, Trưởng bản Quang Thịnh (xã Tam Đình) cho biết, việc thu tiền đối với những chiếc xe ra vào bắt đầu từ khi người dân đổ con đường bê tông hóa tại bản. Số tiền thu không có hóa đơn hay chứng từ, chỉ có hai cuốn sổ ghi ngày, tháng người đứng ra thu tiền. Việc thu tiền do tổ an ninh của bản gồm có 6 người đứng ra đảm nhiệm. Được biết, số tiền này sẽ được đóng vào quỹ làng, mỗi ngày 100.000 đồng. Số dôi dư còn lại do người phụ trách thu tiền ngày đó "ôm" luôn. Được biết, quỹ của bản Quang Thịnh hiện nay chỉ có hơn 10 triệu đồng.

Còn ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết, do là người sống trong bản, tham gia sinh hoạt chi bộ cùng các đảng viên của bản Quang Thịnh nên ông biết khá rõ việc này. Việc thu tiền đã có từ nhiều năm nay, do dân bản tự đứng ra thu, không hề xin phép chính quyền xã, chính quyền huyện. Con đường người dân đang đứng ra thu tiền do người dân bản Quang Thịnh góp công làm, xi măng do nhà nước cấp còn vật liệu được các mỏ đá trên địa bàn hỗ trợ và tiền từ dự án nông thôn mới.

Cuốn sổ ghi ngày, tháng trực và số tiền đóng vào quỹ bản.

"Chúng tôi cứ nghĩ rằng, việc thu tiền giúp dân bản có thêm nguồn thu nhỏ để tu sửa đường và chi vào các hoạt động chung của bản nên cũng không quan tâm cho lắm". Sắp tới, chúng tôi sẽ xuống làm việc với bản về vấn đề này", Chủ tịch UBND xã Tam Đình nói.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng văn phòng luật Trọng Hải và Cộng sự (Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An) cho rằng, về góc độ pháp lý, việc người dân tự ý lập chốt và thu phí là trái pháp luật. Tuy nhiên, việc này cần nhìn nhận một khía cạnh khác, như chính sách tự quản ở các địa phương, những chiếc xe tối ngày ra vào trong làng gây ồn ào và hư hỏng đường sá của bản nên người dân cũng sẽ bức xúc.

Theo luật sư Nguyễn Trọng Hải: "Việc thu phí là sai nên không thể để người dân làm như vậy nữa, nhưng cơ quan chức năng cũng phải có động thái vào cuộc quyết liệt, sát sao nào đó để vừa bảo vệ quyền lợi cho bà con, vừa đảm bảo chính sách thu phí hợp lý".

Tác giả: Minh Thùy

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP