Pháp luật

Nghệ An: “Ma trận” xe buýt

Nghệ An đã cấp phép cho gần 10 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xe buýt với hơn 300 phương tiện. Thời gian qua, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trở nên khốc liệt hơn. Các cuộc rượt đuổi tranh giành khách đã biến nhiều xe buýt trở thành “hung thần” trên mọi tuyến đường ở xứ Nghệ…

anh 1 ma tran
Xe buýt thi nhau tranh giành khách. Ảnh: Lương Ý

Tỉnh Nghệ An có 16 tuyến xe buýt từ thành phố Vinh đi đến trung tâm các huyện, thị xã. Trong đó có gần 10 doanh nghiệp khai thác vận tải xe buýt với hơn 300 phương tiện. Đây là con số rất đáng “nể” bởi với “mạng lưới” xe buýt như thế sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông, phù hợp với xu thế của quá trình đô thị hóa tại Nghệ An.

Tuy nhiên, những con số trên khiến cho giới kinh doanh xe buýt “khóc ròng” vì các cơ quan chức năng cấp phép cho quá nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải này. Nhiều doanh nghiệp muốn bỏ cũng không được, đành phải “sống chết” với nghề.

Với đà này, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phá sản hoặc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác. Xe buýt nhiều, ắt sẽ dẫn đến sự cạnh tranh, tranh giành khách giữa các nhà xe, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Thực tế tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Bến Thủy, TP Vinh) chỉ được cấp cho các xe tuyến số 29 nhà xe Sự Chuyên, Phương Thảo, Đông Bắc nhưng theo ghi nhận thì lại có nhiều tuyến xe của các hãng khác cũng góp mặt.

“Do nhiều hãng xe quá nên các xe đã phải tự tìm cách luồn lách các đường nhỏ trong thành phố để cắt mặt xe các hãng khác. Nhanh hơn 1 phút cũng "hốt" được nhiều khách rồi”, một lái xe chia sẻ "kinh nghiệm".

Theo ghi nhận của PV, đoạn từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An (xã Hưng Lộc, TP Vinh) đến Đại học Vinh (phường Trường Thi) hay từ Đại học Vinh đến Bến xe Vinh (phường Lê Lợi) xe buýt nhiều nhan nhản, nhiều người dân hay nói đùa rằng “ra ngõ là gặp xe buýt”.

Không chỉ nội thành mà nhiều tuyến xe buýt của các hãng được cấp phép chạy từ TP Vinh đến các huyện, thị trên địa bàn tỉnh cũng luôn “đụng hàng” nhau. Có thể nói xe buýt như mạng nhện trên khắp các tuyến đường.

Ví như tuyến số 4 từ TP Vinh đi thị xã Hoàng Mai với hơn 80 cây số nhưng trùng hơn 40 cây số tuyến số 8, trùng 50 cây số với tuyến số 5, trùng 60 cây số tuyến số 26 với các hãng như Sự Chuyên, Đông Bắc; tuyến số 29 nội thành Vinh đi Quỳnh Phương của hãng Đông Bắc, Sự Chuyên cũng trùng hàng chục cây số với tuyến số 5, số 8...

anh 2 ma tran
Các hãng xe buýt chen chúc nhau trên mọi tuyến đường. Ảnh: Lương Ý

“Nhiều tuyến xe buýt trùng nhau tất nhiên sẽ dẫn đến các hãng xe có sự cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế một số hãng cũng đang rất chật vật để “nuôi” xe buýt…”, đại diện một hãng xe buýt than thở.

Ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Vận tải du lịch và Thương mại Thạch Thành cho rằng: “Việc tranh giành khách giữa các hãng xe với nhau chỉ do các tài xế lái xe chứ lãnh đạo doanh nghiệp không hề có chủ trương. Hãng xe nào cũng có tuyến cố định được UBND tỉnh quy hoạch cả...”.

Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT), mới đây, Sở đã thành lập đoàn, chốt chặn, bắt quả tang xe buýt Phương Thảo chạy trái tuyến. Theo cấp phép thì tuyến cố định của xe buýt Phương Thảo là TP Vinh - Yên Thành với điểm cuối là tại xã Tăng Thành (huyện Yên Thành). Tuy vậy, xe buýt của hãng này lại không tuân theo quy định, cố tình chạy trái tuyến lên tận xã Đồng Thành (huyện Yên Thành) để đón, trả khách.

Không chỉ xe buýt "xịn” vi phạm mà xe buýt "nhái” cũng vô tư vi phạm an toàn giao thông vì tranh giành khách. Những xe buýt này cũng “mặc áo” giống như những xe buýt thật và cũng dừng, đón trả khách tại các điểm có biển báo dừng xe buýt.

Theo quan sát của chúng tôi, hàng ngày chiếc xe khách mang biển kiểm soát 37B - 00.99... chạy tuyến TP Vinh - Yên Thành dừng tại điểm xe buýt đối diện Bệnh viện Đa khoa TP Vinh. Sau khi đón khách xong, chiếc xe buýt “nhái” này vô tư vượt đèn đỏ mà không bị công an xử lý. “Xe đó bất chấp đèn đỏ để tranh giành khách với xe buýt thật”, hành khách ngồi tại điểm chờ giải thích.

Hậu quả của những lần “tăng tốc” để tranh giành khách là nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe buýt đã xảy ra. Nghiêm trọng là vụ tại nạn xảy ra vào khoảng 8 giờ sáng 9/7/2014 trên quốc lộ 15A đoạn qua địa bàn xã Giang Sơn Đông (huyện Đô Lương) chiếc xe buýt Thạch Thành biển kiểm soát 37B - 01423 lưu thông theo tuyến thành phố Vinh - Tân Kỳ đã gây ra vụ tai nạn khiến cho 2 người tử vong.

Về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT cho hay: “Việc cấp phép cho 6 doanh nghiệp kinh doanh xe buýt đều có quy hoạch của UBND tỉnh. Việc trùng tuyến đường thì chỉ trùng trong thành phố nên không quan trọng, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp lắm...”.

Trong khi đó, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Tân Phương Thảo nói: “Xe buýt Phương Thảo hoạt động từ tháng 12/2014 với 3 tuyến chính: TP Vinh - Anh Sơn; TP Vinh - Đô Lương; TP Vinh - Yên Thành (tỉnh lộ 534) với 50 đầu xe. Cả 3 tuyến này đều trùng 1 phần với các hãng khác. Đặc biệt tuyến đường Vinh - ên Thành (tỉnh lộ 534) chỉ có tổng chiều dài 35km nhưng có tới 27km là trùng với doanh nghiệp Khánh Quỳnh và Tình Năm... Việc trùng như vậy làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của công ty chúng tôi. Hiện Sở GTVT cấp phép rồi, chúng tôi kiến nghị làm sao đây, đành phải mạnh ai người đó sống thôi...”.

Tác giả bài viết: Lương Ý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP