Đất rừng được cấp bỗng dưng bị xà xẻo?
Thời gian gần đây PV Dân trí nhận được đơn phản ánh của bà Phan Thị Liệu phản ánh về việc đất lâm nghiệp của bà bị xà xẻo và đến nay đã có 19 lá đơn gửi tới các cơ quan chức năng, các cấp ngành nhưng vẫn chưa được giải quyết được một cách thỏa đáng.
Theo đơn bà Liệu phán ánh, vào năm 1992 nhà nước có chủ trương khoanh vùng đồi Mụ Điên (hay còn gọi là đồi Mụ Đuyên, nằm trên địa phận xóm 8B, xã Thanh Hà) để trồng chè. Lúc đó, hầu hết ở địa phương này (xóm 8 - nơi bà sinh sống) không có ai nhận nên gia đình bà đã nhận toàn bộ diện tích nguyên quả đồi và được cấp sổ lâm bạ ở đồi Mụ Đuyên.
Đến năm 2002, nhà nước có chủ trương thu hồi sổ lâm bạ để làm sổ đỏ cho các hộ dân.
Khi nhận đất để trồng chè, bà Liệu cho biết hình thể của đồi Mụ Điên là nguyên quả đồi.
Bà Liệu cho biết: “Ở thời điểm đó các ông Phan Văn Ký, Phan Văn Vinh, Phan Văn Được và bà Trần Thị Lý (đều trú tại xóm 8B, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An) không có sổ lâm bạ cấp năm 1992 ở đồi Mụ Đuyên nhưng các hộ này đã lợi dụng những lúc gia đình tôi sơ hở tiến hành đốt phá cây cối trên đồi, gây mất đoàn kết trong gia đình. Thậm chí ông Ký còn “đứng sau” việc tổ chức một số người đánh đập ngay tại đồi cây khiến tôi phải điều trị ở trạm y tế xã Thanh Hà mà không một lời quan tâm, hỏi thăm nào (?)”.
Cũng từ khoảng thời gian đó đến nay (tháng 5/2016), bà Phan Thị Liệu cho hay đã gửi 19 lá đơn đến UBND xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các cấp ngành liên quan nhưng chỉ nhận được những câu trả lời qua quýt theo kiểu “đá bóng trách nhiệm” cho các vị cán bộ tiền nhiệm, hay theo điệp khúc “dưới đẩy lên, trên đẩy xuống”.
Báo cáo số 89 của UBND xã Thanh Hà ngày 16-11-2015 gửi UBND huyện Thanh Chương trả lời vấn đề của bà Liệu
Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo từ các cấp chính quyền. Cho đến nay đã có 4 lần tổ chức hòa giải ở địa phương và một lần bà Liệu đã gửi đơn lên tòa án nhân dân huyện Thanh Chương nhưng do chưa đủ thành phần trong ban hòa giải nên tòa án không nhận đơn.
Bà Phan Thị Liệu cho biết thêm: “Toàn bộ diện tích sổ lâm bạ của gia đình tôi vào năm 1992 là nguyên quả đồi Mụ Đuyên. Nhưng diện tích sổ đỏ được UBND huyện Thanh Chương cấp ngày 27/6/2006 chỉ với diện tích là 21171,0 m² (tại thửa đất 56, tờ bản đồ số 1) và bị xà xẻo, biến dạng so với hình thể được cấp ban đầu.
Có hay không việc chính quyền làm giả chữ ký con trai bà Liệu cần được các ban, ngành chức năng làm rõ?
Cũng trong năm 2006, ông Phan Văn Ký “bất ngờ” được cấp số đỏ đồi Mụ Đuyên với diện tích là 6843,0 m² (theo tìm hiểu của phóng viên thì ông Ký đứng tên chủ sổ, còn các hộ ông Phan Văn Vinh, Phan Văn Được và bà Trần Thị Lý, đều trú tại xóm 8B, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An được sử dụng cùng ông Ký - PV).
Ghép 4 hộ lại với nhau để được cấp đất?
Trao đổi vấn đề này với ông Hoàng Cao Phơn - Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: “Trước đây, khi giao đất giao rừng không ai chịu nhận cả, sau này thấy đất có giá thì mới xảy ra tình trạng tranh giành lẫn nhau. Còn về chuyện cấp đất ở đồi Mụ Đuyên thì tôi cũng không nắm rõ”(?)”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi cấp đổi thì bị “biến dạng” đi nhiều so với hình thể cũ đã được cấp.
Việc ông Phan Văn Ký được cấp bìa đỏ về đất lâm nghiệp?. Ông Nguyễn Sóng Hồng - Cán bộ lâm nghiệp xã Thanh Hà xác nhận: “Do diện tích thiếu nên phải ghép 4 hộ lại do anh Phan Văn Ký đứng tên, chúng tôi cũng đã đi xin chữ ký của các hộ để thực hiện cấp đổi, lúc đi xin chữ ký thì gặp con trai (anh Hóa) bà Liệu rồi bảo anh Hóa ký vào sổ luôn”.
Tại công văn số 3129/UBND.BTD của Ban tiếp công dân huyện Thanh Chương ngày 5/11/2015, do ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện ký đã gửi cho UBND xã Thanh Hà yêu cầu báo cáo sự việc và trả lời đơn thư của công dân.
Con đường đi tìm công lý của bà Phan Thị Liệu vẫn còn rất nhiều khó khăn và gian nan
Mãi đến ngày 16/11/2016, UBND xã Thanh Hà có báo cáo số 89/BC-UBND gửi UBND huyện Thanh Chương có những nội dung không đúng những gì mà trước đó ông Nguyễn Sóng Hồng - cán bộ Lâm nghiệp xã và ông Hoàng Văn Luyện - cán bộ địa chính xã đã khẳng định.
Theo đó, hai cán bộ này (ông Nguyễn Sóng Hồng và ông Hoàng Văn Luyện- PV) khẳng định với phóng viên: “Đất của gia đình bà Liệu được giao trước Nghị định 02” (sổ lâm bạ cũ của gia đình bà Liệu có diện tích 1000 m², cấp ngày 10/10/1991), tức là bà sử dụng đất trước khi Nghị định này được ban hành vào ngày 15/1/1994 về việc ban hành quy định giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, sử dụng ổn định, lâu dài cho mục đích lâm nghiệp.
Công văn 3129 của UBND huyện Thanh Chương yêu cầu xã Thanh Hà giải quyết và trả lời vụ việc.
Thế nhưng trong Báo cáo số 89 của UBND xã Thanh Hà lại cho rằng đất bà Liệu được cấp vào năm 1992 thực hiện theo chủ trương của nhà nước giao đất theo Nghị định 02.
Để khẳng định tính pháp lý của hồ sơ cấp đất là hợp lệ vị cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Thanh Hà khẳng định: Chủ sử dụng đất đã ký xác nhận vào số liệu đo đạc, nhưng khi đối chiếu hồ sơ thì không hề có chữ ký của chủ sử dụng đất; chữ ký có tên anh Hóa (con trai bà Liệu đang ở nước ngoài) được các vị cho là chữ ký của con trai bà Liệu?!
Trao đổi với PV, bà Phan Thị Liệu khẳng định con bà (tên là Phan Thanh Hoá, sinh ngày 26/5/1986 - PV) lúc đó con nhỏ và cũng không hề ký vào bất cứ giấy tờ nào liên quan đến hồ sơ cấp đổi đất của gia đình.
Từ đó có thể suy ra, ở đây có hay không việc giả mạo chữ ký và nếu quả thực con bà Liệu có ký thì hồ sơ có hợp lệ hay không?
Mặc dù sau lá đơn thứ 19 đề ngày 15/10/2015 của bà Phan Thị Liệu UBND huyện Thanh Chương đã có văn bản chỉ đạo số 3129/UBND ngày 5/11/2015 của Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhưng chính quyền xã Thanh Hà không có kỳ bất động thái hay văn bản nào để giải quyết hoặc gửi trực tiếp tới cho gia đình bà Phan Thị Liệu.
“Đơn đã gửi thì xã phải báo cho công dân để biết. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý vụ việc”, ông Trình Văn Bằng - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương cho biết.
Hàng chục năm trời với chiếc xe đạp đã cũ kỹ để đi gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng cho đến nay bà Phan Thị Liệu vẫn chưa đòi lại được “công lý” cho gia đình mình.
Chồng của bà (ông Phan Thanh Hải phần vì tuổi cao sức yếu, phần vì việc đất rừng nên đã suy sụp dần mang theo nỗi lòng canh cánh về thế giới bên kia vào cuối năm 2015, để lại người vợ già yếu mắt mờ, chân chậm, tai điếc - PV)... Rời căn nhà chỉ có một mình bà đang sinh sống, chúng tôi cảm thấy lạnh lẽo đến vô cùng, xem ra con đường đi tìm công lý của bà con lắm vất vả và gian nan.
Tác giả bài viết: Nhóm PV