Thành phần tham gia gồm có đại diện Phòng NN&PTNT, phòng KT- HT, phòng TN và MT, Kiểm lâm huyện, UBND xã Châu Thái và đại diện HTX Thịnh Kỳ. Nội dung biên bản làm việc nói rõ, quá trình kiểm tra trước đó đã lập biên bản chỉ rõ các vi phạm của HTX Thịnh Kỳ về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực Kinh tế - Hạ tầng như không có Quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi MĐSDĐ, Kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án PCCC, Quy hoạch chi tiết về xây dựng nhà xưởng. Tổ kiểm tra yêu cầu HTX Thịnh Kỳ ngừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục. Tuy nhiên, HTX Thịnh Kỳ vẫn tiếp tục hoạt động, phòng TNMT đã lập biên bản Vi phạm hành chính về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Biên bản đình chỉ hoạt động của đoàn kiểm tra liên nghành huyện Quỳ Hợp đối với HTX Thịnh Kỳ. |
Đoàn liên nghành đề nghị HTX Thịnh Kỳ có cam kết với xã, với huyện về việc dừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Nếu không dừng hoạt động sẽ có biện pháp mạnh để cưỡng chế. Đại diện HTX Thịnh Kỳ đã cam kết sẽ ngừng hoạt động để hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử có bài viết phản ánh, một số hộ dân xóm Thái Lâm, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) phát hiện ở địa phương mình mới xuất hiện một xưởng băm dăm gỗ mọc lên trái phép gần khu dân cư, chưa có bất kỳ giấy tờ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; theo đó phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án chữa cháy cũng không có. Việc này người dân đã có ý kiến phản ánh với chính quyền, nhưng xưởng băm dăm vẫn ngang nhiên hoạt động.
Xưởng gỗ dăm hoạt động dăm trái phép của HTX Thịnh Kỳ (Quỳ Hợp). |
Nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ, tiếng ồn khu dân cư làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe người dân. Dư luận địa phương đặt ra câu hỏi liệu có sự bao che, dung túng của chính quyền các cấp nơi đây nên HTX này mới ngang nhiên thách thức pháp luật, xây dựng xưởng chế biến băm dăm hoạt động sản xuất.
Mặt khác, dù không được cấp phép băm dăm, nhưng HTX này ngang nhiên "lách luật" dưới chiêu bài tận dụng cành ngọn trong quá trình chế biến gỗ keo. Việc này đã góp phần phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gỗ dăm, làm thất thu thuế tại địa phương, đẩy doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm hợp pháp, đã được cấp phép, được đầu tư bài bản vào nguy cơ phá sản, phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.
Tác giả: LÊ THÀNH
Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị