Theo tìm hiểu của PV, xưởng sản xuất này thuộc HTX Thịnh Kỳ, do ông Nguyễn Văn Kỳ làm Giám đốc, đã lắp đặt một dây chuyền chế biến dăm gỗ xuất khẩu, gồm máy cưa, máy cắt, máy băm gỗ thành khí công suất lớn.
Điều đáng nói xưởng băm dăm này nằm tự phát gần khu dân cư, chưa có bất kỳ giấy tờ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất; theo đó phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án chữa cháy cũng không có.
Vật liệu keo nằm ngổn ngang tại khu xưởng trái phép của HTX Thịnh Kỳ. |
Theo quan sát của PV, mặt bằng khu xưởng rộng hàng nghìn mét vuông này có một bàn cân điện tử tại cổng ra vào, vật liệu keo nằm ngổn ngang, xưởng cách đường tỉnh lộ vài trăm mét, rất gần khu dân cư, phía dưới giáp với một khe suối. Người dân ở đây lo lắng về an toàn cháy nổ, tiếng ồn từ quá trình chế biến sản xuất, cũng như vấn đề môi trường với con suối và đồng ruộng gần đó.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch xã Châu Thái thừa nhận: “Hiện nay trên địa bàn xã có HTX Thịnh Kỳ xây dựng nhà xưởng chế biến gỗ, và lắp máy băm dăm trái phép. Sau khi phát hiện xây dựng xưởng băm dăm thì xã đã xuống làm việc, lập biên bản yêu cầu ngừng thi công và xử lý hành chính, đồng thời báo cáo lên huyện. Nhưng họ (HTX Thịnh Kỳ - PV) vẫn lén lút lắp đặt và đi vào sản xuất. Vừa rồi đoàn kiểm tra liên nghành của huyện cũng đã xuống kiểm tra xử lý vấn đề này".
Trao đổi với Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Lê Sỹ Hào - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết: "Xưởng này chưa có giấy tờ về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch chữa cháy.. Vừa qua, nghe thông tin phản ánh, huyện đã thành lập đoàn liên ngành xuống kiểm tra, lập biên bản đình chỉ. Bắt buộc HTX Thịnh Kỳ phải có đầy đủ giấy tờ mới cho phép hoạt động sản xuất".
Hoạt động băm dăm trái phép diễn ra rầm rộ mà chưa cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. |
Tìm hiểu được biết, HTX Thịnh Kỳ được thành lập năm 2018, có vốn điều lệ 1,3 tỷ đồng do 7 thành viên góp. Mặc dù không được cấp phép băm dăm, nhưng HTX này ngang nhiên " lách luật" dưới chiêu bài tận dụng cành ngọn trong quá trình chế biến gỗ keo. Việc này đã góp phần phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất gỗ dăm, làm thất thu thuế tại địa phương, đẩy doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm hợp pháp, đã được cấp phép, được đầu tư bài bản vào nguy cơ phá sản, phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu đầu vào.
Như vậy, HTX Thịnh Kỳ không có bất cứ giấy tờ hợp lệ, lách luật xây dựng và chế biến gỗ dăm trái phép. Nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ, tiếng ồn khu dân cư làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe người dân. Dư luận địa phương đặt ra câu hỏi phải có sự bao che, dung túng của chính quyền các cấp nơi đây nên HTX này mới ngang nhiên thách thức pháp luật, xây dựng xưởng chế biến băm dăm hoạt động sản xuất.
Tác giả: LÊ THÀNH
Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị