Những năm gần đây, sản vật từ núi rừng trở thành món ăn khoái khẩu của người thành phố vì vừa sạch vừa có hương vị độc lạ. Trong số đó phải kể tới một đặc sản nổi tiếng ở vùng núi huyện Tân Kỳ, Nghệ An, đó là măng loi.
Theo tìm hiểu, măng loi có cùng họ với măng tre, nhưng chỉ xuất hiện ở vùng cao, nơi có khí hậu lạnh. Măng loi là mầm non của cây loi, loài cây này cao hơn một mét, lá nhọn, vỏ bóng, thân to bằng ngón tay cái, mọc thành từng bãi lớn. Đỉnh núi Pù Loi thuộc xã Tiên Kỳ, Đồng Văn và Tân Hợp của huyện Tân Kỳ, Nghệ An là nơi có nhiều măng loi. Chúng vào mùa từ tháng 7 đến 11 hàng năm.
|
Trước đây, chỉ có người dân địa phương ở Tân Kỳ biết tới măng loi. Những năm gần đây, khi mà các sản vật núi rừng được người thành phố ưa chuộng thì măng loi trở thành đặc sản nổi tiếng. Cũng nhờ vậy, nghề hái măng loi mang lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Anh Ngoan (ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ) cho biết: "Mỗi khi đến mùa, tôi rủ vài thanh niên trong xoms đi bộ vào núi cách nhà hơn 3km để hái măng loi. Mỗi lần đi chúng tôi đều mang thêm cơm nắm và nước uống để thu hái măng xuyên trưa. Khi tìm được những bãi măng mọc nhiều, cả hội sẽ xúm lại bẻ hoặc dùng liềm cắt sát gốc, sau đó ngồi tại chỗ tách vỏ, chỉ giữ lại ngọn non dài 40-60 cm. Nếu chăm chỉ, mỗi người có thể hái được 10-15kg/ngày.
Măng sau khi hái sẽ được thương lái thu mua hoặc bảo quản lạnh gửi đi các tỉnh thành. Nếu trước đây không ai biết đến măng loi thì giờ đây khách hàng đặt nườm nượp. Dù là công việc thời vụ nhưng mỗi mùa măng loi, gia đình tôi cũng kiếm được cả chục triệu đồng".
|
Theo anh Ngoan, măng loi bán cho thương lái với giá 50.000-60.000 đồng/kg tùy loại. Từ măng loi có thể luộc, xào, dầm tỏi ớt, ngâm chua cay... Nhiều người còn mua về làm quà biếu vì măng tươi và không chất bảo quản, vừa thơm ngon vừa sạch.
Dù có thêm thu nhập nhưng theo anh Ngoan, nghề hái măng loi cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi núi Pù Loi nhiều dốc đá dựng đứng, cây bụi chằng chịt, người đi rừng rất dễ bị ngã, nhất là những hôm trời mưa phải gùi nặng xuống núi. Hoặc người đi rừng có thể bị các con côn trùng cắn nếu không mang đồ bảo hộ.
Những người từng thưởng thức măng loi cho biết loại măng này ăn giòn giòn, lại hơi có vị nhẩn đắng, nhưng đọng lại sau đó là vị ngọt nơi cuống lưỡi. Nhiều người mê nhất là món măng loi om xương. Để chế biến cũng không quá cầu kỳ, măng bóc vỏ để nguyên ngọn dài khoảng một gang tay. Xương sườn chặt vừa miếng cho vào xào cùng măng trên bếp lửa, chừng 10 phút cho măng và xương ngấm gia vị, cho nước xâm xấp măng rồi đậy vung om khoảng 1 giờ. Khi cả măng và xương đều mềm thì thêm gia vị cho vừa ăn là được. Món này ngon ở vị giòn, bùi, ngọt của măng loi, vị thơm, béo của xương sườn. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Nghệ An đưa món măng loi om xương vào thực đơn để thiết đãi du khách gần xa.
|
Đặc biệt, măng loi được chế biến thành 2 sản phẩm đặc sản hấp dẫn để cung ứng ra thị trường, đó là măng loi dầm tỏi, ớt và măng loi tươi thanh trùng. Hai sản phẩm này có thể bảo quản được lâu và vẫn giữ được độ thơm ngon. Ở thành phố, măng loi được bán với giá 100.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn.
Tác giả: Phú Nguyên
Nguồn tin: kienthuc.net.vn