Trao đổi về vấn đề này, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho hay thời gian qua, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước không bao giờ nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Thời gian tới, các ngân hàng sẽ giảm thêm lãi suất huy động.
Trước khi Hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã thống nhất với nhau sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của NHNN, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.
Về kiến nghị này, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, cho rằng, lãi suất tùy thuộc quản trị rủi ro, chi phí hoạt động của mỗi ngân hàng.
Lãi suất cho vay gồm rất nhiều loại chi phí: chi phí huy động vốn, thanh khoản, chi phí xác suất vỡ nợ… Trong bối cảnh rủi ro thì ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ NIM đủ để bù đắp rủi ro khi thị trường có biến động. Điều đáng nói là từ khi đại dịch đến nay ngành Ngân hàng chia sẻ rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với cổ đông, bảo toàn vốn. Do vậy, ngân hàng và doanh nghiệp ngồi bàn bạc phải nhau đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỉ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng: Kinh doanh bất động sản tăng 11,5% chiếm tỉ trọng 31,28%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 31,1% chiếm tỉ trọng 68,72%. Theo phân khúc dư nợ cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,19%, quyền sử dụng đất chiếm 20,66%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,67%, nhà ở nhà hội 0,71%, khác là 13,77%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, năm 2022, cho vay bất động sản của Vietcombank chiếm 20% tổng dư nợ, mức tăng trưởng 17,5%. Hầu hết các dự án tốt và cá nhân mua nhà để sử dụng đúng mục đích đều được Vietcombank đáp ứng.
Tuy vậy, Vietcombank cũng phân loại rất rõ đối tượng khi cho vay bất động sản. Hiện dư nợ cho vay bất động sản tại Vietcombank có tới 90% dành cho cá nhân, doanh nghiệp chỉ chiếm 10%.
Với doanh nghiệp, Vietcombank ưu tiên cho lĩnh vực khu công nghiệp, khu chế xuất, mức tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực này năm 2022 cao gấp 4 lần năm 2021, bởi đây là lĩnh vực có tính lan tỏa cao, góp phần thu hút vốn FDI. Với các lĩnh vực khác như bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, văn phòng cho thuê… ngân hàng cho vay một cách chọn lọc. Với lĩnh vực nhà ở, đất ở, Viecombank cũng lựa chọn các chủ đầu tư uy tín, chủ yếu là cho vay cá nhân mua nhà.
Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, giá nhà ở Việt Nam hiện nay đang cao hơn nhiều so với thu nhập thực tế của người dân, dẫn tới khó khăn trong nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân, đây là lý do khiến các ngân hàng phải thẩm định thận trọng.
Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết năm 2022, tín dụng bất động sản của BIDV tăng tới 20%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng bình quan chung của ngân hàng, tập trung vào phân khúc cá nhân. Trước kiến nghị của doanh nghiệp, ông Lâm cho biết sẽ làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể để nắm bắt nhu cầu.
Về đề xuất cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng cần cân nhắc hết sức cẩn trọng từ góc độ an toàn hệ thống và kiểm soát nợ xấu. Giai đoạn trước ta áp dụng cơ cấu lại nợ do trong giai đoạn thiên tai dịch bệnh. Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, giả sử được Chính phủ đồng ý cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các hiệp hội khác ngành nghề khác cũng "đòi" cơ chế đặc thù tương tự, từ đó dẫn đến không thực hiện nguyên tắc công bằng trong sản xuất kinh doanh thị trường, không bảo đảm nguyên tắc minh bạch theo chuẩn Basel II, III, các định chế nước ngoài sẽ hạ mức tín nhiệm của ngân hàng Việt Nam...
Tác giả: D. Ngọc
Nguồn tin: Báo Người Lao Động