Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra Văn bản số 6561 yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện một số vấn đề trong hoạt động. Trong đó, nhà điều hành đặc biệt lưu ý các TCTD kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là tín dụng bất động sản với mục đích tự sử dụng.
Cụ thể, ngân hàng lưu ý thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, nhất là đối với các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng lớn, khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm hạn chế rủi ro phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản (Ảnh minh họa: Quốc Chinh). |
Cũng theo yêu cầu của NHNN, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.
Các đơn vị cần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư.
Ngược lại, NHNN khuyến khích các TCTD trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 năm 2020 và các văn bản sửa đổi, bổ sung trong năm 2021. Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.
Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các nhà băng tập trung năng lực tài chính, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động, tăng cường trích lập rủi ro. Trong thời gian tới, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu, hạn chế/không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt để tăng vốn điều lệ, qua đó nâng cao năng lực tài chính và khả năng chống đỡ trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Các TCTD cần rà soát, thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của NHNN (gồm dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01 và các văn bản sửa đổi, bổ sung), đảm bảo lợi nhuận phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của TCTD.
Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ đối với doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện nghiêm và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lãi suất, phí. Các bên chủ động rà soát, kịp thời phát hiện các vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp.
Mặt khác, TCTD rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc để có các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Đối với các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động kém hiệu quả (nợ xấu cao, kinh doanh thua lỗ kéo dài) cần tiếp tục xem xét chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập, đóng cửa để tiết giảm chi phí hoạt động.
Báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm của các ngân hàng công bố đã hé lộ cụ thể về dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, cho vay đổ vào lĩnh vực bất động sản của nhiều ngân hàng vẫn tăng. Đứng đầu trong nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân về cho vay bất động sản là Techcombank. Tại thời điểm ngày 30/6, dư nợ cho vay với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản của ngân hàng là 101.489 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2020 và chiếm 32,4% tổng tín dụng của ngân hàng. Nếu gộp thêm cả nhóm ngành liên quan xây dựng và vật liệu xây dựng, tổng dư nợ cho vay trong nhóm lĩnh vực này của ngân hàng là hơn 127.000 tỷ đồng, tương đương gần 70% tổng dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) có dư nợ tín dụng với bất động sản thuộc nhóm cao. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn cho vay các doanh nghiệp bất động sản của MSB tăng hơn 40% lên 12.758 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6. So với tổng tín dụng, tỷ trọng cho vay bất động sản của MSB lên tới 14%, tăng so với con số 11,4% tại cuối năm 2020. Một ngân hàng khác cũng có liên hệ mật thiết với lĩnh vực bất động sản là LienVietPostBank. Song trái ngược với MSB, tỷ trọng cho vay bất động sản của LienVietPostBank lại rất thấp, chưa đến 1% tổng tín dụng. Tại thời điểm ngày 30/6, dư nợ cho vay với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của ngân hàng chưa đến 1.700 tỷ đồng và giảm hơn 50% so với hồi đầu năm. Dư nợ trong lĩnh vực này đến cuối tháng 6 của ngân hàng lên tới 25.352 tỷ đồng, cao hơn các ngân hàng lớn hơn về tổng tài sản như Techcombank, VPBank, MB, ACB. Hiện cho vay ngành xây dựng chiếm tỷ trọng hơn 13% tổng tín dụng của LienVietPostBank. Một ngân hàng khác có dư nợ cho vay lớn với các lĩnh vực bất động sản là VPBank, với dư nợ 32.422 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/6, tương đương hơn 10% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, so với cuối năm 2020, dư nợ với bất động sản của VPBank đã giảm hơn 12%. Trong khi đó, hai ngân hàng nằm trong nhóm đầu về lợi nhuận gồm MB và ACB lại có tỷ trọng cho vay mảng bất động sản thấp. Dư nợ tín dụng cho vay doanh nghiệp bất động sản của MB, ACB hiện lần lượt là 9.321 tỷ đồng và 4.924 tỷ đồng, chưa đến 3% tổng dư nợ cho vay của hai ngân hàng này. Việt Đức |
Tác giả: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Dân trí