PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Khoa Tai Mũi họng, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, cứ đến mùa đông, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng lại nhận được rất nhiều tin nhắn đã từng thăm khám rằng, cần làm gì khi bị chảy máu mũi trong mùa đông.
Chảy máu cam vào mùa đông thường do không khí nóng và khô từ lò sưởi, điều hoà nóng, bếp lửa… hút hơi ẩm ra khỏi niêm mạc mũi. Các vết nứt nhỏ hình thành, gây ngứa và khó chịu.
(Ảnh minh họa). |
Mọi người hay dụi hoặc ngoáy cái mũi ngứa ngáy của mình và bắt đầu chảy máu cam. Sau khi chảy máu mũi, cơ chế tự cầm máu của cơ thể sẽ tự cầm máu bằng cách tạo ra các cục máu đông, nhưng cục máu đông không bao giờ chắc bằng mạch máu nguyên vẹn. Vì vậy, nhiều người thường bị chảy máu mũi một vài lần liên tục trong vài ngày do chúng tiếp tục dụi mũi khô ngứa. Tuy nhiên, cần đảm bảo rằng không có biểu hiện nào khác đi kèm như chảy máu dưới da, chảy máu lợi - hoặc nếu gia đình có tiền sử các bệnh lý về máu (giảm tiểu cầu, suy tuỷ, ung thư máu…), thì cần xét nghiệm máu để phát hiện các bệnh lý của hệ mạch máu mà một trong các biểu hiện là chảy máu mũi. Nhưng thật may mắn là hầu hết chảy máu cam chỉ là chảy máu cam.
Chảy máu mũi có thể ít nhưng đôi khi có thể chảy rất nhiều máu, thậm chí làm ướt khăn trải giường hoặc khăn tắm.
Khi chảy máu mũi cần làm những việc sau:
- Ngồi dậy
- Hơi nghiêng người về phía trước
- Bóp cánh mũi nhẹ nhàng, không cần bóp mạnh, giữ khoảng 3 - 5 phút
- Nếu máu vẫn chảy, nên giữ lâu hơn vào lần sau. Bắt đầu với 5 phút và nếu cách đó không hiệu quả hãy thử lại 10 phút.
- Có thể đặt một ít đá lên sống mũi để làm co mạch giảm lưu lượng máu.
Nếu thực hiện bóp cánh mũi liên tục 3 lần, mỗi lần khoảng 5 - 10 phút mà máu vẫn không cầm, bạn nên đến cơ sở y tế.
Phòng chảy máu mũi:
- Cần giữ cho không khí càng ẩm càng tốt bằng cách sử dụng máy hoá hơi hoặc máy tạo độ ẩm, đặc biệt là máy phun sương.
- Không nên dụi hoặc ngoáy mũi, và tất nhiên phải xử trí biểu hiện khô mũi, ngứa mũi.
- Có thể làm ẩm mũi bằng cách nhỏ vào mũi nước muối sinh lý 0,9% ấm hoặc gel chống khô vào mũi trước khi đi ngủ.
Nếu chảy máu cam thường xuyên và các biện pháp tự chữa tại nhà như hướng dẫn không hiệu quả thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Tác giả: Diệu Thu
Nguồn tin: nguoiduatin.vn