Vượt lên hoàn cảnh
Cường là con thứ 5 trong gia đình nông dân có đông anh em. Nhưng những anh chị của em đều đã xây dựng gia đình, ra ở riêng. Nhà chỉ còn lại 4 người, gồm bố mẹ, Cường và 1 em gái đang học lớp 2.
So với nhiều gia đình trong xóm, nhà Cường thuộc diện khó khăn. Bố Cường - ông Lê Phong Phú (50 tuổi) trong một lần tai nạn lao động trên đồi thông (cách nay 6 năm) đã bị chấn thương cột sống, dẹt 3 đốt sống cổ, mặc dù đã được chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Từ một lao động chính trong nhà, ông trở thành người tàn tật, không đi lại được, nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều nhờ vào sự giúp đỡ của vợ con.
Em Lê Văn Cường - tấm gương vượt khó xứ Quỳnh. |
Những năm qua, kể từ ngày bố Cường gặp nạn, hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn. Dường như mọi công việc nặng nhọc trong nhà, ngoài đồng, trên núi đều do bà Hồ Thị Hữu - mẹ Cường gánh vác. Ngoài mấy sào ruộng làm chỉ đủ gạo ăn, cả nhà đều trông chờ vào nguồn thu nhập từ 3 ha thông lấy nhựa ở trên núi. “Phải chắt chiu lắm mới có tiền để trang trải hàng ngày, lo thuốc men cho chồng và tiền học hành cho các con” - bà Hữu cho biết
Nhà neo người, bố lại nằm liệt giường, Cường sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình và trách nhiệm bản thân nên luôn cố gắng trong cả lao động và học tập. Cường sớm thạo việc nhà nông và làm được hết mọi việc để giúp đỡ mẹ. Những năm THPT của Cường là những ngày tháng vừa làm việc, vừa chăm bố, vừa học hành. Em không có điều kiện cả về thời gian lẫn vật chất để tung tăng với tuổi hoa như nhiều bạn bè khác. Cường chia sẻ: “Nhà em có hoàn cảnh đặc biệt nên phải vậy thôi ạ. Lúc này, thương bố mẹ, em cũng chỉ làm được như thế, mong sức khỏe của bố ngày càng tiến triển hơn”.
Những năm THPT của Cường là những ngày tháng vừa làm việc giúp mẹ, vừa chăm bố, vừa học hành. |
Sau 6 năm điều trị, dưỡng bệnh, ông Phú đã ngồi được, nhưng chưa đi lại được, tay đã cầm nắm được nhưng còn rung và yếu lắm. Những ngày vừa chăm bố, vừa học bài, Cường luôn tâm niệm lời bố dặn “Con cứ cố gắng mà học tập, bố mẹ và gia đình luôn ủng hộ con” để nỗ lực vươn lên trong khó khăn. Năm 2018, sau khi “trượt” Học viện Biên phòng vì thiếu 1 điểm, Cường vẫn quyết tâm “sẽ thi lại, thi đến khi nào đỗ thì thôi”.
Từ vệ sĩ đến thủ khoa trường làng
Điều kiện gia đình khó khăn, sau khi biết kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Cường đã ra Hà Nội làm vệ sĩ cho một nhà hàng để kiếm tiền đỡ đần thêm cho bố mẹ. 5 tháng ở Thủ đô ít nhiều đã giúp Cường ngẫm ra cái “hạn chế” của mình trong kỳ thi vừa rồi: “Em cũng phải thừa nhận rằng, kiến thức năm ngoái của em khá lỏng lẻo, nên năm nay em đã có phương pháp học phù hợp để bù vào những chỗ bị hổng”.
Về quê ăn Tết, Cường không ra Hà Nội nữa mà ở nhà tiếp tục “dùi mài kinh sử” để “chinh chiến” lần 2. Cũng như những ngày đi học, Cường không đi lò luyện thi mà tự học ở nhà là chủ yếu, mỗi tuần chỉ đi học thêm ở trường 1 buổi về môn Địa lý. Hàng ngày, buổi sáng em thường lên núi làm việc với mẹ, chiều ở nhà chăm bố và học bài. Ban đêm là khoảng thời gian Cường dành cho sách nhiều nhất, có đêm học tận 3h sáng mới nghỉ. Mấy tháng ôn thi Cường sút gần 10 kg (từ 53 xuống 44 kg).
Cường, mẹ và em gái. |
Cái “khác lạ” của Cường là lúc bước vào cấp 3, em chú tâm học khối B, nhưng sang lớp 12 thì quay 180 độ chuyển hẳn sang khối C. Cường đầu tư khá nhiều công sức cho 2 môn sở trường là Lịch sử và Địa lý. Với 2 môn này, phương pháp học tập của Cường là nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, hệ thống hóa bằng sơ đồ tư duy. Trên cơ sở đó, phân tích mổ xẻ tìm hiểu kỹ từng vấn đề, mối quan hệ qua lại giữa chúng. Ngoài ra, em còn tích cực lên mạng để học hỏi kiến thức, nhất là những bài giảng hay của các giáo viên…
Mặc dù 12 năm đều là học sinh tiên tiến, nhưng Cường mới chỉ học “nổi” ở trường vào nửa cuối lớp 12. Năm ngoái, điểm xét tuyển khối C của Cường đạt 25 điểm, là học sinh phổ thông có điểm thi cao nhất trường. Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, điểm xét tuyển khối C của Cường là 27,25 (Văn 7,75; Lịch sử 9,75; Địa lý 9,75). Với số điểm này, Cường là thí sinh có điểm xét tuyển khối C cao nhất điểm thi Trường THPT Quỳnh Lưu 2, đứng tốp đầu ở huyện Quỳnh Lưu. Cường cho biết: Em đã “đào sâu” môn Địa lý để lấy điểm tối đa, nhưng vẫn bị sai mất 1 câu, em chỉ bất ngờ với điểm môn Văn cao hơn em dự đoán.
Lớp 12 B của Cường năm học 2017 - 2018. |
Biết được điểm thi của Cường, cô giáo Võ Thị Vân - giáo viên chủ nhiệm lớp 12B năm học 2017 - 2018, Trường THPT Quỳnh Lưu 2 chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi biết Cường đạt điểm xét tuyển khối C khá cao. Cường là một học sinh ngoan, hiền, chăm chỉ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn và nỗ lực vượt khó tiêu biểu. Hy vọng với số điểm này em sẽ đạt được ước mơ của mình.
Năm ngoái, Cường đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào Học viện Biên phòng và năm nay là Trường Sỹ quan Chính trị. Nói về sự thay đổi này, Cường cho hay: “Trước đây, em đã nghĩ nhiều đến trường đại học Luật và nghề luật sư, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nên em phải thi vào các trường khối lực lượng vũ trang, để bố mẹ khỏi phải nuôi ăn học. Từ lúc đăng ký vào hồ sơ, em cảm thấy mình đã lựa chọn đúng”.
Từ ngày Cường biết điểm thi, ngôi nhà của gia đình chàng thủ khoa ở xóm 15, xã Quỳnh Tân lúc nào cũng có anh em, bà con, xóm giềng đến chúc mừng, chia vui. Tinh thần vượt khó, hiếu học của Cường dường như đang lan tỏa hơn ở vùng quê nghèo này.
Hàng trăm giáo viên ở Hà Nội có nguy cơ mất việc: Huyện Sóc Sơn nói gì?
Tác giả: Huy Thư
Nguồn tin: Báo Nghệ An