Pháp luật

Năm 2020, các xã của huyện Kỳ Sơn đều có đường giao thông

Đã nhiều năm qua, ở các huyện vùng cao miền tây Nghệ An, hầu hết hệ thống giao thông đến các trung tâm xã “đường vẫn chưa ra đường”. Nhiều tuyến đường hầu hết chỉ mới đi được trong mùa khô. Mùa mưa, lũ, nhiều thôn, bản bị chia cắt thành ốc đảo. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã trăn trở và xây dựng “Đề án nâng cấp đường vào trung tâm các xã đến năm 2020".

3b2533db9d17a922ca3dd189f84c5814
Tuyến đường vào xã Na Ngoi, Nậm Càn xuống cấp nghiêm trọng.

Huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn nằm trong tốp nghèo nhất nước, do vậy đây là đề án hết sức thiết thực và cần thiết, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, lưu thông thương mại mà còn tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, giảm được nghèo bằng cách khai thác tiềm năng về tài nguyên đất đai còn bỏ ngỏ lâu nay.

Trong nội dung đề án nêu rõ, thực trạng hiện nay trên địa bàn Kỳ Sơn vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được đầu tư, nâng cấp, nhất là một số tuyến giao thông quan trọng vào trung tâm các xã vùng sâu, vùng xa như: Keng Đu, Đoọc Mạy, Bắc Lý, Bảo Nam, Bảo Thắng, Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Típ, Mường Ải… đang lầy lội về mùa mưa, giao thông đi lại gặp rất nhiều khó khăn, điều này đã làm ảnh hưởng việc phát triển kinh tế, lưu thông tiêu thụ nông sản cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Mục tiêu của đề án phấn đấu đến năm 2020, hệ thống đường giao thông từ trung tâm huyện Kỳ Sơn đến trung tâm các xã trên địa bàn đạt được các mục tiêu cơ bản như sau: Có một mạng lưới đường hợp lý, liên hoàn, thông suốt, bảo đảm cho ô-tô đi được bốn mùa đến tất cả các trung tâm xã trong huyện. Theo đó, mục tiêu nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2020 là phải tập trung nguồn lực tài chính để xây dựng 13 dự án cầu, đường bộ với nhu cầu nguồn vốn gần 1.500 tỷ đồng. Để thực hiện được đề án cần một số nhiệm vụ giải pháp tập trung thực hiện như: tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng duy tu, sửa chữa; chú trọng đào tạo cán bộ đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng.

Là một huyện thuộc tốp nghèo nhất nước, cho nên Kỳ Sơn gặp không ít khó khăn về nội lực, do vậy các giải pháp chủ yếu đề ra đó là: căn cứ vào phân cấp, thẩm quyền quản lý các công trình như công trình của Trung ương, của tỉnh để có các giải pháp thu hút các nguồn vốn Trung ương, của tỉnh đầu tư. Xây dựng kế hoạch đầu tư hằng năm, trong đó ưu tiên cho những công trình trọng điểm về an ninh - quốc phòng, các tuyến đường đến xã tỷ lệ hộ nghèo cao, tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án bằng nhiều phương thức; tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, lồng ghép các nguồn vốn các chương trình dự án có hiệu quả…, góp phần tạo động lực cho bà con các dân tộc lưu thông hàng hóa, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tác giả bài viết: NGÂN PHẠM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP