Thế giới

Mỹ: Nhân viên SVB vẫn kịp nhận tiền thưởng vài giờ trước khi ngân hàng sụp đổ

Các nhân viên Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) được cho là đã nhận khoản tiền thưởng hằng năm hậu hĩnh vài giờ trước khi ngân hàng sụp đổ vào ngày 10/3.

Ảnh minh họa: AP

SVB, một trong 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ hoạt động từ năm 1983, đã rơi vào vòng xoáy khủng hoảng vốn và sụp đổ vào ngày 10/3, trở thành “cú sốc” ngành ngân hàng lớn thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Dù vậy theo các nguồn tin của Axios, những nhân viên Mỹ đủ điều kiện của SVB vẫn kịp nhận khoản tiền thưởng hằng năm hậu hĩnh trước khi ngân hàng được tiếp quản bởi Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC).

SVB thường trao tiền thưởng cho nhân viên Mỹ vào ngày thứ Sáu thứ hai của tháng 3. Năm nay, mốc này rơi vào 10/3, đúng ngày SVB sụp đổ và được FDIC tiếp quản.

Thông tin cụ thể về số tiền thưởng chưa được tiết lộ. Nhưng báo chí Mỹ trích dẫn Glassdoor – một trang web nơi các nhân viên và cựu nhân viên đánh giá các công ty – nói rằng khoản tiền thưởng ở SVB dao động từ khoảng 12.000 đô la/năm cho các cộng sự đến khoảng 140.000 đô la cho giám đốc điều hành.

Trong khi đó, nhân viên SVB ở các quốc gia khác vẫn chưa nhận được tiền thưởng vì chưa đến hạn (dự kiến vào cuối tháng 3).

Cũng có thông tin rằng một số nhân viên của SVB đã được FDIC gửi email hôm 10/3 với nội dung mời làm việc thêm 45 ngày nữa để giải quyết các công việc tồn đọng. Tính đến cuối năm 2022, SVB có hơn 8.500 nhân viên.

Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rõ rằng ban quản lý của SVB sẽ bị sa thải. “Nếu ngân hàng bị FDIC tiếp quản, những người điều hành không nên làm việc ở đó nữa”, tổng thống nói.

Ông cũng kêu gọi "kiểm toán đầy đủ" để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa SVB, và trách nhiệm cụ thể của những người liên quan.

"Trong chính quyền của tôi, không ai được đứng trên luật pháp", ông Biden nhấn mạnh. "Và cuối cùng, tôi phải giảm nguy cơ để đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa."

Theo các nguồn tin, hóa ra SVB không có chuyên gia đánh giá rủi ro trong suốt 9 tháng. Trong khi chuyên gia phụ trách đánh giá rủi ro châu Âu của ngân hàng dường như tập trung hơn vào nhiều nỗ lực đa dạng hóa trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách xoa dịu công chúng bằng cách bảo vệ những người gửi tiền ở Mỹ. Hôm thứ Hai, ông tuyên bố hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn "an toàn" và tuyên bố sẽ siết chặt quy định, nhưng các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng tình hình vẫn còn mong manh và nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino sau sự sụp đổ của SVB vẫn còn hiện hữu.

Tác giả: Minh Hạnh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP