"Cam kết" cũng là một phương án, tuy nhiên mục tiêu của cam kết là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, chứ không phải là một thỏa thuận kiểm soát hoặc giảm thiểu vũ khí vì điều này sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân.
Chính quyền của Tổng thống Trump hoàn tất chính sách trên sau hai tháng xem xét, trong đó các cố vấn của ông Trump đã cân nhắc một loạt các ý tưởng về việc làm thế nào khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các phương án quân sự và lật đổ quốc gia cô lập này, theo AP.
Các nhà chức trách Mỹ cũng xem xét quan điểm chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Hiện vẫn chưa có thêm chi tiết song chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump không khác nhiều so với chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn tập trung vào việc chờ cho Bình Nhưỡng tỏ ra thiện chí trong lúc tăng cường các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên họ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ gây sức ép lớn hơn để Trung Quốc có hành động với Bình Nhưỡng. Điều này phản ánh thực tế rằng ngoài áp đặt trừng phạt mạnh mẽ hơn, tăng cường răn đe cũng như phòng thủ, Mỹ không thể làm gì nhiều với Triều Tiên mà không tạo ra nguy cơ bùng phát chiến tranh.
Chính sách mới của Mỹ được đưa ra khi căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên giữa những lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ thực hiện một vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào hôm 15/4 để kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Trước đó, Mỹ điều một nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu tới ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để đối phó với các mối đe doa từ Bình Nhưỡng.
Một quan chức quân đội Mỹ nói với hãng thông tấn AP rằng Mỹ không có ý định sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên trong phản ứng với một vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa. Quan chức này nói các kế hoạch có thể thay đổi trong trường hợp một tên lửa của Triều Tiên bắn trúng Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc lãnh thổ Mỹ, theo AP.
Tác giả bài viết: Sầm Hoa
Nguồn tin: