Tuy nhiên, giữa bạt ngàn những mẫu xe cũ được rao bán trên thị trường ô tô đã qua sử dụng, làm sao mua được một chiếc xe chất lượng tốt là nỗi băn khoăn lớn của đa số người mua.
Tra cứu thông tin về xe
Chỉ cần dạo qua một vòng các diễn đàn, trang mạng xã hội về ô tô, bạn có thể nắm sơ qua những lỗi thường gặp của từng dòng xe cụ thể. Đây sẽ là chú ý quan trọng khi kiểm tra xe thực tế. Thế nhưng, trước tiên hãy kiểm tra thông tin về xe. Chú ý xem chiếc ô tô cũ mà bạn muốn mua có đầy đủ giấy tờ hay không, xe đã trải qua bao nhiêu đời chủ. Bên cạnh đó, nên xem số km mà xe đã đi được trên bảng đồng hồ công tơ mét. Con số này theo một số người chỉ mang tính “tham khảo” vì tua đồng hồ là một điều rất đơn giản. Tuy nhiên, hãy xem xét và đối chiếu với tình trạng ngoại nội thất của xe, sẽ giúp bạn đánh giá được phần nào tình trạng của xe. Thông thường xe gia đình đã đi 800 - 1.000 km/tháng được xem là ít, trên dưới 2.000 km/tháng được xem là mức trung bình.
Kiểm tra ngoại thất xe
Bên cạnh đó, hãy kiểm tra xe thân xe có dấu vết va chạm nào không? Có vị trí nào trên thân xe bị mất ốc, vít không? Tại cản sau ở vị trí gần ống xả, có dấu những vệt đen hoặc dầu bám lại không? Đặc biệt, nếu trên thân xe có vết rỉ sét thì tuyệt đối không nên mua. Để xác định chiếc xe đã bị va chạm hay chưa, người mua nên kiểm tra các điểm ghép nối ở phần đầu xe, đuôi xe, hốc bánh, mép cửa và thân xe, nếu có hiện tượng khe hở không đồng đều nghĩa là xe đã bị gò hàn lại. Hãy lưu ý đến nước sơn của xe. Nếu xe đã sơn lại nó sẽ có đường nứt, bong tróc rất nhỏ và rất dễ bị lem màu sơn ở các điểm ghép nối.
Kiểm tra nội thất xe
Trường hợp trong khoang xe có mùi mốc, chua, hoặc có dấu vệt nước lưu lại thì lập tức bỏ qua. Chú ý từng chi tiết nhỏ trong khoang nội thất. Nếu xe dùng nhiều, các nút bấm điều khiển chức năng có thể sẽ bị bong tróc, việc sơn lại cũng dễ nhận biết nếu người xem tinh mắt. Ngoài ra, nên kéo hết dây đai an toàn để xem nó có bị ngả màu không. Chú ý đường chỉ khâu, vân da trên ghế, bảng táp lô, bệ cửa... Nếu xe ít sử dụng vân da ghế sẽ không bị đen, bề mặt da căng đàn hồi tốt.
Gầm xe
Quan sát vị trí ở trống phanh và calip phanh xem có chất lỏng thấm ra không? Mặt đất dưới sàn xe có dầu hay chất lỏng nhỏ xuống không?
Kiểm tra động cơ
Việc kiểm tra động cơ xe đặc biệt quan trọng bởi nếu sau này gặp phải vấn đề bạn sẽ tốn rất nhiều tiền để khắc phục. Ở các xe bị thủy kích phải rã máy để sửa chữa, có thể dễ dàng nhận thấy các dấu vết còn lại như ốc vít bị trầy xước, các khe của vỏ máy vẫn dính keo còn xót lại. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc thợ sửa chữa bôi keo lắp máy thủ công bằng tay nên không thể đẹp như nguyên bản sản xuất từ nhà máy.
Bước tiếp theo hãy mở nắp dầu của động cơ. Thử lau que thăm dầu lên một miếng giẻ khô xem có bị lưu lại các vệt nhỏ màu đen không? Trong dầu có lẫn các mảnh kim loại nhỏ không? Nắp bình dầu phụ có bị đầy, đen không? Nếu là xe số tự động, hãy thử ngửi xem que thăm dầu có mùi khét hay không? Đó là những dấu hiệu bất thường từ động cơ mà bạn cần phải tránh. Những xe động cơ có màu đen hoặc thấy nhớt rỉ ra thấm bên ngoài thường đã “chinh chiến” khá nhiều và máy đã có trục trặc.
Quá trình khởi động
Nếu là xe số sàn khi nhả chân côn để ý xem có bị giật, rung hay không. Còn nếu là xe số tự động hãy chú ý tới tiếng động lạ khi chuyển sang chế độ lái. Nên xoay vô lăng vài vòng để kiểm tra, nếu xe đi ít vô lăng sẽ còn rất mới, vô lăng không có độ rơ. Khi xe đã khởi động, nên gạt về số N và nhấn ga, nếu phát hiện động cơ rung lắc mạnh có thể cao su chân máy đã bị vỡ.
Lái thử
Mua xe cũ tại thời điểm này ưu điểm lớn nhất là có xe dùng ngay. Thế nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi dân buôn thường lợi dụng tâm lý nôn nóng của khách hàng để tung ra những chiếc xe bị thủy kích, hỏng nặng hoặc taxi hoàn lương. Nếu còn nhiều điều băn khoăn sau khi kiểm tra xe, hãy thỏa thuận với chủ xe để mang xe đến các trạm dịch vụ kiểm tra toàn diện.
Tác giả bài viết: Hoàng Hiệp
Nguồn tin: