Xã hội

Một xã có 600 người học nghề… hoạn lợn?

600 người trong một xã học nghề hoạn lợn? Một con số hài hước chăng? Một câu nói đùa vui chăng? Hay một sự bất bình thường?

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất cần tính thiết thực

Chính xác thì đó là sự thật và đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra trong Hội nghị toàn quốc về công tác Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ngày 23-3 là: “Việc học nghề của lao động nông thôn thời gian qua có một số nơi vẫn chỉ là đánh trống ghi tên, ghi tên để lĩnh tiền chế độ. Vì thế mới có chuyện một xã mà có tới 600 lao động đăng ký ghi tên học nghề… hoạn lợn”.

Quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa tất yếu dẫn đến một lượng lớn lao động nông thôn bị thiếu việc làm, đòi hỏi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được quan tâm. Ngay từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Một trong những điểm khác biệt của Đề án 1956 so với các chương trình, dự án trước đó về dạy nghề cho nông dân là yêu cầu cao về “đầu ra” với 70-80% lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm phù hợp với nghề được đào tạo.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng vừa công bố, trong số trên 5 triệu lao động nông thôn được học nghề, có gần 3,5 triệu ngườiđược hỗ trợ đào tạo theo Đề án 1956, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80% - một con số rất đáng mừng.

Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận một thực tế là không ít nơi, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn nặng về hình thức mà không đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động cũng như gắn với nhu cầu sản xuất, kinh doanh của địa phương. Chẳng hạn có nơi nhiều nhà máy, khu công nghiệp phát triển mạnh thì lại đào tạo nghề may, thêu, nghề trồng cây cảnh… Hay có địa phương mở lớp đào tạo nghề, lao động học xong nhưng địa phương lại không có doanh nghiệp ngành nghề đó để tiếp nhận lao động. Để thuận tiện cho mình, có địa phương còn đào tạo nghề cho cả những người… đã thạo nghề.

Sở dĩ có tình trạng trên, ngoài sự bất cập về cơ chế chính sách thì nguyên nhân chủ yếu là do “bệnh thành tích” của địa phương trước áp lực chỉ tiêu đào tạo của cấp trên giao về. Trong khi đó, ở nhiều địa phương khó khăn, việc vận động người dân đi học rất khó khăn, nhất là khi nhu cầu nhân lực sau đào tạo gần như không có vì trên địa bàn không có doanh nghiệp làm ngành nghề đó. Thế nên mới có chuyện ghi tên mà không đi học, thế nên mới có chuyện cả xã có 600 thợ hoạn lợn.

Trong giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chỉ tiêu của chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1600 của Thủ tướng Chính phủ. Với mục tiêu đào tạo nghề cho 5,5 triệu lao động nông thôn, tổng kinh phí thực hiện cho giai đoạn này là 12.600 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo nghề phải thực chất hơn, chứ không phải mang tính thời vụ, có chỉ tiêu, có kinh phí mới làm.

Tác giả bài viết: Trâm Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP