Thể thao

Môn bắn súng cần 8-10 năm để ổn định khi Hoàng Xuân Vinh giải nghệ

Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, Nguyên trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh chỉ ra 3 vấn đề hiện tại của bắn súng Việt Nam.

Trong bài viết gửi Zing, ông Nguyễn Hồng Minh dành thời gian chia sẻ, đánh giá về thực trạng của bắn súng Việt Nam và không quên trấn an về thành tích có phần đi xuống trong thời gian gần đây của cô trò HLV Nguyễn Thị Nhung trên đấu trường quốc tế.

Hoàng Xuân Vinh đã chuyển sang vai trò huấn luyện trước thềm SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Lê.

Đóng góp to lớn trong quá khứ

Trong lịch sử thể thao Việt Nam, bắn súng là bộ môn có đóng góp to lớn nhất. Theo chiều dài lịch sử, thành tích của bắn súng trên đấu trường quốc tế rất xuất sắc, lượng thành tích đứng đầu trong các môn thể thao.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, cố xạ thủ Trần Oanh từng đạt thành tích súng ngắn ổ quay ngang với kỷ lục thế giới, ở một giải đấu của lực lượng thể thao quân đội các nước xã hội chủ nghĩa.

Sau này, bắn súng hòa nhập với các kỳ đại hội khu vực và châu lục. Ngay lần đầu tham dự tại SEA Games 1989, bắn súng Việt Nam giành 14/18 huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Trong đó có 3 HCV, 8 HCB và 3 HCĐ. Các xạ thủ như Ngô Ngân Hà, Đặng Thị Đông đạt những thành tích rất cao. Đặng Thị Đông còn vượt qua kỷ lục châu Á lúc bấy giờ.

Bắn súng cũng là môn duy nhất có HCV ở kỳ Đại hội thể thao Việt Nam trở lại với đấu trường khu vực.

Trên bình diện SEA Games, bắn súng thường đạt những kết quả cao. SEA Games 22, đội tuyển bắn súng giành 25 HCV trên tổng số 42 bộ huy chương. Các xạ thủ Việt Nam phá tới 10 kỷ lục Đông Nam Á. Tôi có thể dùng câu "vô tiền khoáng hậu", trước không có và sau này cũng không thể có để nói về thành tích đó.

Trong thành tích ấy, phải nhắc tới những VĐV xuất sắc như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Quốc Cường, Phạm Cao Sơn hay Hoàng Xuân Vinh ở các nội dung nam. Các VĐV nữ như Nguyễn Thị Thu Vân, Đặng Hồng Hà, Hồ Thanh Tú... Họ họ giành thành tích cả ở nội dung đồng đội và cá nhân.

Ở đấu trường Asian Games, kỳ đại hội năm 1982 anh Nguyễn Quốc Cường giành HCĐ. Đó là huy chương duy nhất của Đoàn thể thao Việt Nam ở Đại hội diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ). Sau này, các xạ thủ Việt Nam đổi màu huy chương ở đấu trường châu lục, có thể kể đến HCB của Đặng Hồng Hà ở Asian Games 2006.

Nổi bật nhất, phải kể đến một HCV và một HCB của Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016. Xuân Vinh cũng thiết lập kỷ lục Olympic ở nội dung 50 m súng ngắn. Thành tích của Hoàng Xuân Vinh tại Đại hội đó có tính lịch sử.

Nghiên cứu quá trình hình thành bắn súng, tôi có thể khẳng định bắn súng luôn được quan tâm. Hệ thống đào tạo đi đúng hướng với sự đóng góp của nhiều địa phương. Trong những năm tháng thể thao còn chiến lược đi tắt đón đầu, thành tích của thể thao Việt Nam trông chờ nhiều vào bắn súng và các môn võ.

Bắn súng Việt Nam không còn nhiều xạ thủ lão làng như Trần Quốc Cường. Ảnh: Bùi Lượng.

Cần giải bài toán cơ chế

Sau nhiều năm tham gia, với xu thế phát triển của bắn súng hiện đại, chúng ta gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện. Từ trường bắn không được đầu tư đúng mức, đến việc thiếu súng và đạn trong tập luyện. Thậm chí, các xạ thủ tập trung ở đội tuyển không đủ đạn để tập luyện.

Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội mới được nâng cấp. Hệ thống bia bắn điện tử mới trang bị gần đây. Trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Thụy Sĩ lại đặt ra bài toán về vận hành. Phải có những người đủ trình độ kỹ thuật để duy trì nó.

Những khó khăn nói trên là nguyên nhân chính khiến phong trào bắn súng trong những năm gần đây có thu hẹp lại. Cơ chế bao cấp nhà nước trong thể thao cũng không còn nữa, các địa phương không có khả năng tự trang bị súng và đạn tập luyện.

Việc không được phát triển từ cơ sở dẫn tới bắn súng thiếu đi lực lượng VĐV trẻ, thành phần đội tuyển quốc gia vì thế mà không được đảm bảo.

Tại SEA Games lần này, Hoàng Xuân Vinh dừng thi đấu mà chuyển sang huấn luyện. Đội tuyển bắn súng Việt Nam bắt đầu trao nhiều cơ hội hơn cho lực lượng trẻ. Bên cạnh đó vẫn còn những lão tướng, tham dự 7-10 kỳ SEA Games, như Trần Quốc Cường hay Hà Minh Thành.

Xuân Vinh dừng thi đấu là quy luật tất yếu. Minh Thành hay Quốc Cường cũng không còn thi đấu bao lâu nữa. Các thế hệ già rời đi, lực lượng trẻ sẽ bước lên tiếp nối.

Tuy nhiên, thế hệ xạ thủ mới cần rất nhiều thời gian để đạt tới trình độ của đàn anh. Nếu muốn có thành tích cao như những người đi trước, họ cần nhiều điều kiện hơn. Ổn định tâm lý là yếu tố tiên quyết, quyết định lớn đến thành tích trong môn bắn súng. Để có điều đó, các xạ thủ trẻ cần nhiều thời gian để rèn luyện, có thể phải mất 8-10 năm.

Bắn súng Việt Nam không còn giữ được thành tích trong quá khứ là điều dễ hiểu. Các nhà quản lý và người hâm mộ nên kiên trì chờ đợi lứa xạ thủ trẻ trưởng thành hơn. Quan trọng nhất, theo tôi là giải các bài toán về cơ chế. Từ đó, chúng ta có thể phát triển phong trào từ các địa phương. Nếu không, lực lượng ở đội tuyển quốc gia luôn trong cảnh bấp bênh, ảnh hưởng tới thành tích khi thi đấu.

Tác giả: Đỗ Hải

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP