Giáo dục

Mô hình trường học mới và nỗi lo của phụ huynh

Mô hình trường học mới (VNEN) đang được triển khai dạy thí điểm ở các trường tiểu học từ năm học 2011-2012 và được nhân rộng đến 1.447 trường trên cả nước trong năm học này. Đó là một tín hiệu vui khi một dự án mới đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, song hành với niềm vui ấy là nhiều trăn trở của phụ huynh.

Theo sự tìm hiểu của phụ huynh chúng tôi, VNEN quả thực đem lại một luồng gió mới trong phương pháp giảng dạy và học tập ở tiểu học. Học sinh ngồi học theo nhóm, nhóm trưởng điều khiển các bạn trong nhóm làm việc từ tìm hiểu vấn đề, nêu hướng giải quyết, rút ra kiến thức. Khi nào gặp trở ngại, các con đưa bảng cứu trợ và giáo viên sẽ đến bên nhóm để hướng dẫn.

Thay vì lối dạy học truyền thống theo kiểu truyền thụ một chiều như trước đây, VNEN lại hướng đến dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức. Học sinh Việt Nam vốn rất rụt rè, nhút nhát và khả năng giao tiếp, ứng xử trước đám đông luôn là một hạn chế. Nay việc học tập theo mô hình VNEN sẽ giúp các con hoạt động theo nhóm, tăng cường kĩ năng giao tiếp… Đó là những điểm mạnh mà mô hình này đem lại. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại khá lo lắng khi con được theo học mô hình trường học mới này.

Nếu bạn có một đứa trẻ có sức học bình thường thì nỗi lo này là hiển nhiên. Khi hoạt động theo nhóm và tự nghiên cứu bài học, việc tiếp thu bài với các cháu năng động sẽ là điều dễ dàng. Nhưng với một đứa trẻ hơi chậm chạp, học theo nhóm sẽ càng làm trẻ bị “lu mờ”, “đuối sức”. Và thành tích nhóm, thành tích lớp hoc đã có một số bạn nhóm trưởng và khá giỏi đảm đương nhiệm vụ bằng chính năng lực của mình chứ không phải bằng kết quả cố gắng của cả nhóm.

Một nỗi trăn trở lớn của phụ huynh hiện nay là lo con cái mình sẽ không theo kịp các bạn trong nhóm và chưa yên tâm với “tài” điều khiển của các cháu nhóm trưởng để tự học, tự nghiên cứu bài học mà nắm vững các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng. Vì vậy, rất nhiều phụ huynh cho con mình tham gia các lớp học thêm để học trước bài học trên lớp. Vậy là trước khi tham gia thảo luận nhóm theo VNEN trên lớp thì các cháu đã được “gạ” bài sẵn từ các lớp học thêm theo kiểu truyền thống. Vô hình trung mô hình VNEN chỉ là cách học nhóm hình thức, đối phó của chính các cháu.

Mỗi ngày con tôi đi học về, cháu đều kể chuyện trường lớp cho cả nhà nghe, trong đó có vô số câu chuyện bi hài từ lớp học NVEN. Chẳng hạn, chuyện lớp học hôm nay ồn ào vì các bạn quây quần thành nhóm và thay vì thảo luận bài lại tha hồ nói chuyện riêng. Chẳng hạn chuyện các bạn nhóm trưởng đọc bài cho các bạn học yếu trong nhóm chép để hoàn thành nhiệm vụ cho nhanh… Tất nhiên trong đó có cả niềm vui của cháu khi một tiết học nào đó được hoạt động nhóm đúng nghĩa, được thảo luận sôi nổi và được phát biểu bài tích cực trong nhóm. Nhưng các tiết học thu hút được sự hứng thú học tập của các cháu lại không nhiều, bởi nhiều lí do. Trong đó có vai trò không nhỏ của những người giáo viên năng động, sáng tạo, nhiệt tâm.

Chúng ta không phủ nhận mặt tích cực của mô hình VNEN trong việc phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh. Tuy nhiên, chúng ta không thể không trăn trở với thực tế giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Lớp học đông với sĩ số học sinh trong mỗi nhóm khá cao, liệu các em hoạt động nhóm có thật sự tích cực? Độ tuổi tiểu học với tâm sinh lí còn ham chơi hơn ham học, liệu có ý thức rõ ràng ý nghĩa của việc học và tác dụng của học nhóm? Chất lượng học sinh có sự phân hóa khá lớn, các em yếu có theo kịp các bạn khá giỏi trong nhóm? Học theo mô hình VNEN ở tiểu học rồi lên trung học quay lại với mô hình dạy học truyền thống, sự khập khiễng đó giải quyết thế nào?...

Mọi chủ trương của Bộ Giáo dục đều nhằm nâng cao chất lượng cho nền giáo dục nước nhà. VNEN cũng vậy, đó là nỗ lực ứng dụng một mô hình dạy học với nhiều hi vọng về sự đổi thay tích cực. Nhưng để VNEN phát huy hiệu quả, chúng tôi mong Bộ Giáo dục có sự tính toán thật chu toàn.

Tác giả bài viết: Ngọc Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP