Trong nước

"Mấy chục đoàn thanh tra mà hơn 5 năm chưa có kết luận"

"Tôi có một danh sách năm 2021 có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận"- đại biểu Quốc hội nêu.

Thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi sáng 25/10, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) khẳng định, việc xử lý, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra là nội dung hết sức quan trọng. Việc xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra cũng là để thể hiện hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra.

Thực tế hiện nay tỷ lệ thu hồi sau kết luận thanh tra tương đối tốt, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh tra. Vì vậy, theo ông Hải, dự thảo cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo hiệu quả trong vấn đề xử lý, thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng do vi phạm.

Đại biểu Mai Văn Hải (Ảnh: Quốc Chính).

Đại biểu đề nghị trao thêm quyền cho trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra để kịp thời xử lý tiền, tài sản vi phạm, kể cả ngay trong quá trình thanh tra chứ không phải chờ sau kết luận thanh tra mới ban hành các quy định để xử lý.

"Đề nghị nghiên cứu có thêm một quy định cụ thể hơn nữa về quy định xử lý trách nhiệm, quy trách nhiệm đối với những người có liên quan trong vấn đề làm thất thoát tài sản, tiền, của cải nhà nước. Như thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn thanh tra cũng như các cơ quan thanh tra khi tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm"- đại biểu tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) quan tâm tới việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Theo bà Thúy, cụm từ "không chồng chéo, trùng lặp" được lặp lại nhiều lần trong dự thảo luật, nhưng thực tế cho thấy tuy không trùng về nội dung, không trùng về thời điểm thanh tra nhưng có quá nhiều cuộc thanh tra và ngoài ra còn có thể có các cuộc kiểm toán, kiểm tra về địa phương.

"Cứ đoàn này đi, đoàn khác tới, cho nên thời gian chuẩn bị nội dung, tài liệu để phục vụ các đoàn quá nhiều, ảnh hưởng đến điều hành, hoạt động của địa phương"- bà Thúy nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Ảnh: Quốc Chính).

Bà Thúy lấy ví dụ, một cuộc thanh tra do Chính phủ tiến hành là không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì có thể gia hạn 2 lần không quá 60 ngày. Như vậy cộng lại tối đa một cuộc thanh tra có thể lên tới 120 ngày (4 tháng).

"Tôi đề nghị nên chăng quy định số lượng không quá bao nhiêu cuộc thanh tra trong 1 năm đối với bộ, ngành, địa phương. Thực tế, một số địa phương đã có quy định là không quá 2 cuộc thanh tra của các ngành đối với các doanh nghiệp trên địa bàn và được doanh nghiệp đánh giá cao, bởi vì dành nhiều thời gian cho sản xuất, kinh doanh"- bà Thúy dẫn ví dụ.

Đặt vấn đề trường hợp hết thời hạn quy định mà vẫn chưa ban hành kết luận thanh tra thì xử lý ra sao, bà Thúy nêu thực trạng còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. "Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm theo Luật Thanh tra hiện hành mà cũng không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra?"- bà Thúy nhấn mạnh.

Cũng nêu quan tâm về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) khẳng định: "Tôi có một danh sách năm 2021, có những cuộc thanh tra có quyết định thanh tra và thực hiện từ những năm 2015-2016, mấy chục đoàn thanh tra mà đến nay chưa có kết luận, năm 2021 vẫn giải quyết vấn đề chậm ban hành kết luận. Vậy nguyên nhân ở đâu, giải pháp khắc phục như thế nào và chế tài ra sao, việc này cũng phải xem xét".

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ phát biểu sáng 25/10 (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Hạ phân tích, đang có câu chuyện là người ra quyết định thanh tra, người ký kết luận thanh tra thì lại không tham gia đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo lại với người quyết định thanh tra.

"Vậy khi có mâu thuẫn, có những vấn đề còn cấn cá trong quá trình thẩm định, cũng có thể là do khúc mắc giữa người ký quyết định với trưởng đoàn và đoàn thanh tra chưa thống nhất được nội dung kết luận và cũng có thể vì một nguyên nhân nào đó, một yếu tố nào đó kết luận thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra thì làm sao để khắc phục vấn đề này?. Chế tài ra làm sao cũng phải quy định rõ"- ông Hạ thẳng thắn.

"Kết luận thanh tra và kiểm toán trái nhau thì xử lý thế nào?"

Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh dự thảo luật phải làm sao để làm sao tránh tạo áp lực nặng nề cho đơn vị bị thanh tra, nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

"Khi đã có một đoàn thanh tra vào thì các đối tác ký hợp đồng đều rất dè dặt và rất khó khăn. Khi đã có thanh tra, kiểm toán vào thì cơ quan này vào thì cơ quan kia thôi. Vấn đề chất lượng là quan trọng"- ông nêu thực tế.

Hơn nữa phải tính tới trường hợp kết luận thanh tra và kiểm toán trái nhau thì xử lý thế nào? Nếu thanh tra kết luận như thế này, nhưng kiểm toán kết luận khác, thậm chí là trái ngược thì xử lý như thế nào?.

"Luật phải có quy định chế tài cho việc này ra sao, trách nhiệm của trưởng đoàn, của người ra kết luận?. Đó là những việc tôi thấy trong luật cần phải quy định rõ, cần phải nghiên cứu đến vấn đề này vì thực tế đã diễn ra rồi"- ông nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) dẫn ra quy định tại khoản 3 Điều 66 dự thảo luật quy định "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho VKSND cùng cấp biết để tránh việc xử lý chậm, làm cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm không kịp thời, bỏ lọt tội phạm, gây thất thoát hoặc hậu quả pháp lý xấu.

"Thực tế hiện nay đang có sự lấn cấn trong việc khi nào sẽ chuyển hồ sơ khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, chuyển ngay hay sau khi đã kết thúc việc thanh tra. Tôi đề nghị điều chỉnh quy định này theo hướng "trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo ngay cho người ra quyết định thanh tra để nhanh chóng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho VKSND cùng cấp biết"- đại biểu đề xuất.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP