Đứa con mà vợ anh mang thai 9 tháng 10 ngày bị thai chết lưu. Và đến giờ anh vẫn chưa biết tại sao gia đình anh lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu vậy, ngoài lý giải “sốc phản vệ” từ Bệnh viện Đa khoa Bình Giang…
Mất gần 600 triệu viện phí sau 5 phút lên bàn mổ đẻ
Đơn của anh Thà và gia đình viết, 7h sáng ngày 17/5/2017, vợ anh vẫn khỏe mạnh bình thường, thai nhi cũng vẫn khỏe mạnh, chỉ chờ đến giờ mổ là được chào đời. Tuy nhiên, sau khoảng 5 phút được tiêm thuốc tiền gây mê, gia đình anh thấy bác sỹ của bệnh viện hốt hoảng chạy ra thông báo, vợ anh bị sốc phản vệ, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng…
Ngay sau đó vợ anh được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hải Dương và ngày 18/5 vợ anh được chuyển tiếp lên Bệnh viện Bạch Mai chạy máy lọc máu. Ngày 20/5, vợ anh được mổ để đưa thai nhi ra ngoài. Thai nhi đã được người nhà mang về chôn cất tại quê nhà. Sau hơn một tháng mất con, hiện nay, vợ anh vẫn hôn mê sâu, nằm viện dài ngày gây lở loét, đã bị cắt bớt đi một phần thịt lở loét ở mông.
Chi phí chạy chữa cho ca bệnh của chị Trà My tại Bệnh viện Bạch Mai mất khoảng hơn 580 triệu đồng, nhưng may mắn, chị là công nhân may, được đóng bảo hiểm nên gia đình chỉ phải chi trả hơn 116 triệu đồng, cộng với một số loại thuốc, dịch vụ không chi trả, gia đình phải đóng tổng cộng số tiền khoảng 210 triệu đồng. Anh Thà cho biết, đó là số tiền quá lớn với gia đình anh, anh đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để lo cứu sống vợ mình...
Theo đơn của gia đình anh Thà, sau một thời gian được chuyển về điều trị tại bệnh viện tỉnh nhưng không có dấu hiệu chuyển biến thì gia đình đã lại chuyển sản phụ lên Bệnh viện 108 để có thêm hy vọng. Gia đình anh cũng nhận được nhiều đóng góp và chia sẻ từ bạn bè, người dân làng xóm, láng giềng, tuy nhiên, họ vẫn không thể hiểu được, tại sao gia đình anh lại ra nông nỗi này, lỗi xảy ra ở đâu?
Và đến nay, đã hơn một tháng xảy ra sự việc, gia đình anh vẫn chưa biết tình hình sức khỏe của vợ anh sẽ như thế nào? Bệnh viện Đa khoa Bình Giang sẽ chịu trách nhiệm đến đâu trong vụ việc mất người, mất của của gia đình anh ngoài những lời hứa “đã có trách nhiệm với bệnh nhân ngay từ khi bệnh nhân gặp vấn đề. Phân định trái - phải, đúng - sai sẽ có Nhà nước, cơ quan pháp luật sẽ làm rõ. Còn về góc độ tình cảm, chúng tôi sẽ vận động cán bộ nhân viên để chung tay cùng gia đình giải quyết thêm chi phí cho gia đình”?
Bác sĩ khẳng định “không có sai sót chuyên môn” ?!
Ngay sau khi chứng kiến tình hình sức khỏe của chị Trà My và nhận được đơn của gia đình anh Thà, chúng tôi đã tiến hành làm việc với Bệnh viện Đa khoa Bình Giang. Tại buổi làm việc, bác sĩ Ứng Minh Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, tình trạng sức khỏe của sản phụ Trà My ngay sau khi xảy ra sự cố là rất nặng, bệnh viện đã tiên lượng có thể tử vong ngay sau đó.
Bác sĩ Sơn cho biết, trước khi vào viện, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, tim thai tốt, thai nhi dự đoán cân nặng khoảng 3,4-3,6kg. Thể trạng bệnh nhân hoàn toàn bình thường và không có dấu hiệu gì bất thường. “Sau khi tiêm thuốc tiền gây mê mới gây sốc phản vệ. Bất kỳ một trường hợp nào cũng có thể xảy ra trường hợp sốc thuốc. Thậm chí đến cả các loại thuốc chống sốc cho bệnh nhân bị sốc thuốc cũng có thể gây sốc” - bác sĩ Sơn khẳng định.
Theo trình bày của bác sĩ Sơn, ngay sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện đã yêu cầu niêm phong số thuốc sử dụng tiền gây mê cho bệnh nhân, kể cả xi lanh tiêm. Bệnh viện cũng lập ra hội đồng xử lý và lập biên bản, niêm phong… “Chúng tôi họp ngay hôm đó để kiểm điểm và 3 ngày sau lại tiếp tục họp. Chúng tôi thấy sốc phản vệ là điều không mong muốn và nó xảy ra bất cứ đối với người nào trong cơ thể có phản ứng kháng thể với thuốc đó” - ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi, năm 2013 sản phụ Trà My đã từng sinh mổ tại bệnh viện, cũng đã được tiêm thuốc gây mê. Tại sao không xảy ra sự cố gì mà sinh lần thứ 2 lại bị sốc phản vệ? Bác sĩ Sơn trả lời: “Chính vì bệnh nhân đã từng sử dụng thuốc gây mê một lần nên khi lên Bệnh viện Bạch Mai, các thầy ở trên đấy cũng không thể giải thích được”.
Trong suốt cuộc làm việc với chúng tôi, phía bệnh viện luôn khẳng định, bệnh viện đã làm đúng chuyên môn. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cán bộ nhân viên bệnh viện đã quyên góp được hơn 45 triệu đồng hỗ trợ bệnh nhân. “Chúng tôi nói rõ quan điểm là chúng tôi không phải đền vì chúng tôi đã làm đúng chuyên môn, tuy nhiên tai biến xảy ra là vấn đề bất khả kháng và không mong muốn. Nếu chúng tôi làm sai, chuyên môn không đúng thì sẵn sàng nhận trách nhiệm” - bác sĩ Sơn khẳng định.
Đại diện Sở Y tế Hải Dương cho biết đã có kết luận về trường hợp của sản phụ Vũ Trà My. Theo vị đại diện này, quy trình tiền gây mê của Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang đối với sản phụ đúng quy định, các loại thuốc tiền gây mê đã sử dụng, liều lượng và đường dùng đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang đã chẩn đoán, xử lý kịp thời trường hợp sốc phản vệ mức độ rất nặng, kết quả bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch đủ điều kiện để chuyển viện. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp bằng văn bản thì phía đại diện Sở Y tế Hải Dương không cung cấp.
Tác giả bài viết: Hoàng Tú
Nguồn tin: