Thỉnh thoảng Iran hành động như thể đang chơi một trò ngoại giao quốc tế phức tạp, pha trộn giữa đe dọa ngoại giao và cảnh báo chiến tranh, thậm chí hành động thực sự.
Tàu chiến Anh tại cảng Hamad, Qatar. (Ảnh: Reuters) |
Hôm 10/7, 5 tàu vũ trang của Iran đã tiếp cận để bắt giữ một tàu chở dầu của Anh tại Vịnh Ba Tư. Tàu chiến Anh HMS Montrose cảnh báo phía Iran hãy tránh xa và kết quả là 5 tàu Iran rút lui.
Jerusalem Post nhận định, vụ bắt giữ tuy bất thành nhưng chứng tỏ Tehran thực sự nghiêm túc khi đe dọa tuần qua rằng sẽ trả đũa vụ Anh bắt tàu dầu Iran ngoài khơi Gibraltar hôm 4/7. Và kế hoạch táo bạo này được Tehran thực hiện chưa đầy một ngày sau khi có tin Mỹ đang muốn thành lập một liên minh quốc tế để ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo tấn công các tàu dầu ở Vịnh Oman.
Tại sao Lực lượng Cận vệ cách mạng Iran (IRGC) lại hành động công khai như vậy khi một tàu chiến Anh hiện diện gần đó. Hoặc họ không hay biết, nhưng điều này là không thể. Hoặc họ định hành động thực sự.
Ngày 12/5, 4 tàu đã bị tấn công ở Vịnh Oman, ngoài khơi cảng Fujairah của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Các tàu này là của Ảrập Xêút, UAE và Na Uy. Ảnh chụp tàu dầu Na Uy Andrea Victory cho thấy thân tàu bị một lỗ thủng to. Mỹ lập tức quy trách nhiệm cho Iran.
Một vụ việc nghiêm trọng hơn xảy ra ngày 13/6, khi hai tàu dầu bị tấn công ngoài khơi cảng Jask của Iran ở Vịnh Oman. Vụ nổ đã khiến một trong hai tàu bị hư hại và tàu thứ hai - tàu dầu Nhật Kokuka Courageous -sau đó được thấy bị dính mìn chưa nổ. Mỹ tố Iran là thủ phạm và tung ra video chứng minh một tàu cao tốc dường như của IRGC đã tiếp cận Kokuka Courageous để dỡ quả mìn đó.
Ngày 20/6, Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ, suýt khiến Washington tấn công đáp trả. Tehran tuyên bố đã có thể bắn hạ thêm một máy bay quân sự nữa của Mỹ trong cùng ngày.
Tất cả các vụ việc kể trên đều được thực hiện với độ chính xác cao. Chẳng hạn, dù có 44 thủy thủ trên tàu dầu Kokuka Courageous ngày 13/6 nhưng không ai bị thương. Dù ai tiến hành vụ tấn công thì mìn vẫn dính vào thân tàu và không có thương vong.
Từ ngày 20/6 đến đầu tháng 7, phía Iran tương đối yên ắng. Mỹ cũng giảm bớt đe dọa. Nhưng bầu không khí giận giữ ở Tehran lại bùng lên khi Anh triển khai lính thủy đánh bộ chặn tàu dầu Iran ở ngoài khơi Gibraltar, một vùng lãnh thổ Anh ở hải ngoại. Iran đe dọa sẽ bắt tàu dầu Anh để trả đũa. Ngày 10/7, Tổng thống Hassan Rouhani lên tiếng cảnh báo về "những hậu quả", cùng ngày IRGC điều đội tàu 5 chiếc đi vây bắt tàu dầu Anh.
Iran chắc chắn biết rõ một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh đang ở gần đó. Nước này cũng chứng tỏ nắm bắt hết các chuyến bay của Mỹ ra vào các nước Vùng Vịnh, kể cả máy bay không người lái. Tehran có radar cùng các thiết bị tinh vi khác.
Vậy tại sao IRGC vẫn định vây bắt tàu dầu Anh? Theo báo Jerusalem Post, có thể, Iran muốn thử phản ứng của Anh và cũng muốn xem Mỹ có nghiêm túc về việc thành lập liên minh quốc tế ngăn chặn các cuộc tấn công tàu dầu ở Vịnh Oman hay không.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet