Theo SCMP, trong ngày thứ 5 của khóa học rèn luyện nam tính kéo dài 18 ngày, các cậu bé từ 7 đến 11 tuổi đeo dải khăn buộc đầu ghi dòng chữ “Những chàng trai mạnh mẽ”. Chúng hô to khẩu hiệu: “Ai giỏi nhất? Tôi giỏi nhất”; “Chúng tôi là ai? Chúng tôi là những người đàn ông”.
Lớp học này do ông Tang Haiyan, giáo viên giáo dục thể chất, sáng lập từ năm 2012. Đến nay, hơn 20.000 học viên đã tham gia "luyện nam tính". Ông Tang Haiyan cho hay mục đích chính của lớp học là giúp các cậu bé yếu đuối không còn quá nhạy cảm, dễ bị tổn thương, và vô trách nhiệm.
Các cậu bé phải đọc thuộc các lời tuyên thệ về lòng dũng cảm, bao gồm cả bảo vệ đất nước, danh dự và ước mơ. Trong 18 ngày, học viên tự giặt quần áo, sắp xếp giường ngủ, rèn luyện về thể lực như tập võ, đi bộ trên bãi cát, đá bóng.
Điện thoại, máy tính và các thiết bị kết nối mạng Internet bị cấm hoàn toàn. Học viên được yêu cầu gọi nhau là “đồng chí”, như một cách để khẳng định tinh thần đồng đội, sẻ chia khó khăn.
Ông Tang là người sáng lập lớp học rèn luyện nam tính cho các cậu bé yếu đuối ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Ông Tang còn tổ chức thêm những khóa học ngắn hạn theo chủ đề như cởi trần chạy bộ vào mùa đông, leo núi ở nhiệt độ âm 30 độ C, hoặc di chuyển đến sa mạc trong suốt một tuần lễ.
“Có thể nhiều phụ huynh thấy học như vậy rất nguy hiểm, nhưng đó là yếu tố quan trọng để tạo ra tinh thần dũng cảm cho các cậu bé”, người đàn ông này nói.
Theo ông, chính sách một con khiến các gia đình quá nuông chiều "sản phẩm" của mình, đặc biệt là những bé trai.
“Nếu là con một trong gia đình, bạn sẽ có 6 người trưởng thành vây quanh. Lớn lên trong một môi trường như vậy rất khó tự lập”, thầy giáo của lớp học rèn luyện nam tính khẳng định.
Trong khóa huấn luyện, các học viên sẽ được rèn luyện để trở nên mạnh mẽ hơn. Ảnh: SCMP. |
Trước những kết quả tích cực của khóa huấn luyện, nhiều phụ huynh Trung Quốc sẵn sàng chi 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.400 USD), đăng ký cho con học.
Bà Zhang Haiwei, sống ở Thanh Đảo, cho biết con trai Tong Tong của mình đến khóa huấn luyện để học cách sống xa nhà trong hơn hai tuần. Đây là điều khó khăn với cậu bé 12 tuổi, vốn được bố mẹ bao bọc kỹ lưỡng.
Theo nữ phụ huynh, bố Tong Tong quá bận, không có thời gian chăm sóc con. Cậu bé thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ. Tong Tong không tự tin, thường xuyên khóc lóc khi làm hỏng việc. Sau khóa học, cậu bé đã mạnh mẽ hơn và tự biết sửa soạn đồ dùng cá nhân cho mình.
“Con tôi bây giờ đã tự lập trong cuộc sống và học tập. Nếu định chơi game 30 phút mỗi tuần, nó sẽ tự giác khi hết thời gian. Tôi không cần phải nhắc nhở”, bà Zhang tâm sự.
Không chỉ riêng Tong Tong, hầu hết nam sinh tham gia lớp học đều có trải nghiệm sống xa nhà lần đầu tiên. Ming Ming, 14 tuổi, đã "lột xác" hoàn toàn sau khi tham gia lớp học.
Bố của Ming Ming, ông Zhang Xiansen, kể trước đây, em rất béo, thường xuyên bỏ ngoài tai những lời bố mẹ nói. Giờ đây, cậu đã có thái độ tích cực hơn.
Ông Zhang cũng chia sẻ thêm Ming Ming và các bạn tham gia thi tuyển vào một trường trung học quân sự hàng đầu ở Hà Bắc. Nam sinh là người duy nhất vượt qua thử thách khắc nghiệt của kỳ thi.
Sau khóa huấn luyện, các cậu bé đã tự lập hơn so với trước. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên, một số người cho rằng những khóa học rèn luyện nam tính đôi khi phản tác dụng, thậm chí dẫn đến nổi loạn tuổi dậy thì.
Chia sẻ với Global Times, bà Liu, phụ huynh của một cậu bé 7 tuổi, nói rằng thói quen tốt phải mất một khoảng thời gian dài để hình thành, chứ không thể có chuyện hoàn thiện trong một khóa đào tạo ngắn hạn.
Tác giả: Minh Thúy
Nguồn tin: zing.vn