Giáo dục

“Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát”

Hãy suy nghĩ khôn ngoan hơn khi được chọn giáo viên vì mục đích học cuối cùng không phải vì điểm số mà để làm người, biết cách tự học nhằm tu dưỡng suốt đời!

LTS: Vừa qua, học sinh các trường Trung học Cơ sở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) tranh luận sôi nổi về việc sẽ chọn học trái buổi môn gì, theo giáo viên nào cho hợp lý, ... trước lệnh cho học sinh tự chọn giáo viên và môn học.

Tuy nhiên, việc cho học sinh chủ động chọn giáo viên dạy buổi thứ hai trên trường ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã dẫn đến đa phần các em thích những giáo viên dễ tính, cho điểm thoáng.

Nhưng liệu đây có phải là sự lựa chọn khôn ngoan của học sinh?

Cô giáo Phan Tuyết đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Những giáo viên dễ dãi thường được các học sinh dễ dàng yêu quý hơn, nhưng thực tế những giáo viên này có phải là sự lựa chọn tốt nhất?

Các trường Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) sẽ tổ chức học hai buổi/ ngày và cho học sinh chủ động chọn môn học, chọn giáo viên buổi học thứ hai (trái buổi).

1hap
Học sinh Trường Trung học Cơ sở Kim Hồng háo hức điền vào phiếu đăng ký chọn giáo viên và môn học trái buổi (Ảnh: tuoitre.vn).

Giải pháp này với mong muốn tạo động lực cho giáo viên nỗ lực trong giảng dạy để thu hút học sinh về với mình. Bên cạnh nhiều ý kiến cho rằng đây là nét mới, một cách làm hay để nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên nhưng cũng có không ít sự băn khoăn:

“Liệu rằng học sinh có chọn giáo viên dựa trên chất lượng giảng dạy hay vì những lý do khác?”

Nếu giải pháp trên thực hiện cho sinh viên các bậc học Cao đẳng, Đại học thì chẳng có điều gì đáng bàn nhưng học sinh bậc Trung học Cơ sở đang ở độ tuổi từ 11 - 14 tuổi liệu có thích hợp chưa?

Với độ tuổi này, các em thường bồng bột, bốc đồng yêu thương theo cảm tính có lợi cho mình kể cả cái lợi mang tính tiêu cực.

Giáo viên các em yêu thích thường phải là người cho điểm rẻ, vui tính, dễ dãi trong khi dạy, khi thi, biết thương học sinh (không thuộc bài cho nợ lần khác, kiểm tra 15 phút báo trước, cho đề cương ngắn gọn… ).

Với nhiều em, những điều này quan trọng hơn nhiều hơn việc thầy cô ấy dạy hiểu bài hay không?

Thực tế đã được chứng minh, ở các trường học từ Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông hiện nay, những giáo viên dễ dãi thường được các em yêu quý và chào đón một cách nhiệt tình.

Cứ vào đầu mỗi năm học, danh sách giáo viên vào dạy từng lớp sau khi được thông báo, sẽ trở nên “nóng” trên các diễn đàn tranh luận của học sinh. Nào là “Lớp đó sướng thế? Thầy cô dễ không à. Ai như bên này toàn bà la sát…”.

Thật ít khi nghe các em nói: “Cô (thầy) ấy dạy dễ hiểu, dạy hay…”, mà nhiều nhất vẫn là: “Thầy (cô) ấy dễ lắm…”.

Mỗi kì thi đến, các em thường ngóng ra ngoài xem giáo viên nào vào lớp mình coi thi, nếu là giáo viên dễ, học sinh sẽ hò reo và cho hàng tràng vỗ tay không dứt.

Ngặt nỗi, giáo viên nổi tiếng thường nghiêm khắc, thì ôi thôi chưa rời phòng thi các em đã loạn lên tố cáo với các bạn lớp bên: “Ông thầy (bà cô) gì mà hắc ám, coi thi gì mà khó quá, nhìn thấy cái mặt là đã thấy ghét rồi…”.

Thường những học sinh học giỏi, chịu học lại rất thích giáo viên nghiêm túc, dạy ra dạy mà chơi ra chơi.

Khi chọn thầy cô học, chắc chắn các em cũng sẽ đăng kí học với những thầy cô giáo như vậy nhưng số lượng học sinh học giỏi trong một lớp lại không có mấy còn học sinh trung bình trở xuống lại quá nhiều.

Điểm số luôn rất quan trọng với các em nên lười học mà được điểm cao, em nào mà chẳng thích?

Học sinh đã thế, còn giáo viên thì sao?

Chắc chắn khi giáo viên không được học sinh chọn, bản thân giáo viên ấy cũng biết được vì sao mình không được học trò yêu mến?

Nếu vì chuyên môn, vì phương pháp dạy học, chắc chắn những giáo viên này sẽ cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vì lý do khác như nghiêm khắc quá, cho điểm chặt, không bao giờ mớm bài… vì cuộc sống sẽ có không ít giáo viên tự thay đổi mình cho phù hợp với sở thích của các em.

Đó là chưa nói đến việc cạnh tranh, nói xấu lẫn nhau giữa các giáo viên để tranh giành học sinh cho mình, cũng là điều khó tránh khỏi.

Lúc này thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chất lượng giảng dạy không được nâng lên có khi lại theo chiều hướng tiêu cực khác.

Nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên đâu nhất thiết phải để học sinh chọn học?

Nhà trường cần quản lý chặt chẽ đề kiểm tra, đề thi, giao chất lượng đầu năm cho thầy cô quản lý và cuối năm nghiêm túc sát hạch lại các em có lẽ đang là phương pháp tối ưu nhất hiện nay.

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP