Trong tỉnh

Long trọng lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ Phan Bội Châu

Sáng nay (16/12), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ Phan Bội Châu và đón nhận Bằng di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại huyện Nam Đàn.

Toàn cảnh lễ kỷ niệm.

Tham dự buổi lễ, phía Nhật Bản có các ông: Miyazawa Hiroyuki – Nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản; Otsuka Susumu – Đại điện Hội Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam; Kawai Jun – Phó Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản – Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản; Amma Yukio – Đại diện Hội Asaba Sakitaro Nhật Bản.

Đại biểu Trung ương có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; GS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương.

Về phía đại biểu tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Nam Đàn; dòng họ Phan và đông đảo học sinh và các tầng lớp nhân dân thành phố Vinh.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Trong không khí trang trọng, đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đọc bài diễn văn kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, cùng ôn lại chặng đường hoạt động và những đóng góp to lớn của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỷ XX.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đọc diễn văn kỷ niệm.

Phan Bội Châu (tên thật là Phan Văn San), ông sinh ngày 26/12/1867 trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Đan Nhiệm, nay là xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Ngay từ nhỏ, Phan Bội Châu đã nổi tiếng thông minh. Tuổi nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan và phong trào Cần Vương phục quốc sôi nổi ở khắp nơi đã tác động mạnh mẽ đến nhiệt tình yêu nước của Phan Bội Châu. Năm 18 tuổi ông đã lập “Sỹ tử cần vương đội” định đánh úp thành Nghệ An nhưng không thành. Vừa dùi mài kinh sử, ông vừa tham gia hoạt động yêu nước. Năm 1905, ông sang Nhật và tiếp tục tham gia hoạt động. Những áng văn thơ yêu nước của ông đã có tác động mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật sử thi "Những vần thơ dậy sóng" tái hiện lại cuộc đời của nhà chí sĩ Phan Bội Châu...

Cả cuộc đời cụ Phan Bội Châu đã cống hiến trọn vẹn cho phong trào giải phóng dân tộc. Đúng như lời nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phan Bội Châu là “vị anh hùng, bậc thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng”. Cụ là sứ giả văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Mối quan hệ thân thiết giữa Phan Bội Châu với những người bạn Nhật Bản, đặc biệt là bác sĩ Asaba Sakirato càng thắt chặt thêm sự đoàn kết bang giao giữa hai quốc gia. Đây là cầu nối giao lưu văn hóa, khoa học, giáo dục giữa hai đất nước, góp phần bồi đắp thêm tình hữu nghị quốc tế Việt Nam – Nhật Bản.

...Tình bạn giữa Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakirato (Nhật Bản) được tái hiện...

...Phan Bội Châu mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập noi theo.

Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu luôn nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kiên trì học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Học tập, noi gương cụ Phan Bội Châu và các bậc cách mạng tiền bối khác, mỗi người dân Nghệ An nói riêng, người dân Việt Nam nói chung phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, văn minh.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn.

Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng công nhận Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt thể hiện sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị to lớn của di tích; là sự tri ân đối với công lao của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với lịch sử dân tộc; Đồng thời, đây cũng là sự ghi nhận đối với nỗ lực, cố gắng, những đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng, trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý, Nghệ An nói chung và Nam Đàn nói riêng là xứ địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt cho dân tộc Việt Nam như Mai Hắc Đế, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Khai... Những di tích lịch sử trên địa bàn xứ Nghệ, trong đó có khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Nam Đàn là nơi hội tụ những giá trị lịch sử, truyền thống và nhân văn vô cùng quý giá; cần được chúng ta trân trọng, gìn giữ và phát huy, trở thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của dân tộc. Để phát triển nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam, điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Nghệ An và huyện Nam Đàn cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đã được phê duyệt; Tích cực, chủ động phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện các giá trị của khu di tích.

Đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh và huyện đẩy mạnh kết nối, hợp tác giữa các vùng, địa phương, phát huy lợi thế về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; di sản thiên nhiên, làng nghề; hình thành các sản phẩm văn hóa, du lịch phong phú, độc đáo, đa dạng mang đậm chất văn hóa xứ Nghệ gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Nghệ An có sức cạnh tranh cao, trở thành điểm đến du lịch bền vững mang tầm khu vực và quốc tế; đồng thời kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay góp sức, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, bền vững; sớm đưa Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất như sinh thời Bác Hồ và các bậc tiền nhân hằng mong muốn.

Em Phan Thị Minh Trâm - học sinh lớp 12C1, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đại diện cho thế hệ trẻ Nghệ An phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ kỷ niệm.

Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, em Phan Thị Minh Trâm - học sinh lớp 12C1, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đại diện cho thế hệ trẻ Nghệ An khẳng định không ngừng nỗ lực học tập, đoàn kết, phấn đấu thiết lập những đỉnh cao mới, xứng đáng là đại diện cho khí phách và tâm hồn xứ Nghệ, thể hiện niềm say mê nhiệt huyết và khao khát vươn mình ra biển lớn để bắt kịp thời đại đúng như tâm nguyện năm xưa của cụ Phan Bội Châu.

Đoàn diễu hành rước Bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt về Khu lưu niệm Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn.

Ngay sau buổi lễ, các đại biểu và đông đảo nhân dân tham gia diễu hành rước Bằng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt về Khu lưu niệm Phan Bội Châu, thị trấn Nam Đàn./.

Tác giả: Thuỳ Dương

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP