Chị Lê Thị Nhủ lúc còn ở nhà (ảnh gia đình cung cấp) |
Vỡ mộng nơi miền đất hứa
Nhà chị Nhủ vốn nghèo, thế nên nhìn hàng xóm nhiều gia đình đổi đời nhờ có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mang tiền về xây nhà cao cửa rộng, chị cũng mong được một lần xuất ngoại. Thế rồi, có người về tận quê chị chào mời đi Ả rập-Xê út với mức lương là 1.500SAR/tháng, mọi chi phí khác được miễn hoàn toàn.
Nghe vậy chị Nhủ bàn với chồng: “Tính ra tiền Việt thì 1.500SAR chỉ tương đương khoảng 9 triệu đồng. Nhưng bù lại chi phí để lo hợp đồng lại không mất, hay là mình thử đi một chuyến xem sao. Nếu cơ hội tốt, mình lại chăm chỉ làm thêm, biết đâu thu nhập còn cao hơn nữa”.
Thực ra ở quê, so sánh với làm nông mà thu nhập mức 9 triệu đồng/tháng đã là cao lắm. Lại thấy thời hạn lao động cũng chỉ có 2 năm, cộng thêm việc phía công ty đưa đi XKLĐ hứa sẽ hỗ trợ thêm một khoản tiền 25 triệu đồng để anh ở nhà “ổn định cuộc sống gia đình” nên anh Vũ Duy Đoán (chồng chị Nhủ) nhất trí ngay với bàn tính của vợ.
Hợp đồng đi Ả rập-Xê út của chị Nhủ nhanh chóng được ký kết với Công ty cổ phần xuất nhập khẩu C.I.P.CO (Công ty CIP.CO - có trụ sở tại 28 Nguyễn Cảnh Dị, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào ngày 6-12-2016, 4 ngày sau, anh Đoán đưa vợ ra sân bay.
Trước lúc chia tay, anh Đoán vẫn yên tâm với hợp đồng của vợ mình là chỉ làm giúp việc. Mọi chuyện có vẻ êm xuôi thì khoảng 2 tháng sau, anh Đoán nhận được cuộc điện thoại của vợ gọi về khóc nức nở.
“Xót xa lắm anh ạ, những ngày đầu tiên vợ tôi tới nơi thì không có vấn đề gì. Nhưng sau đó, cô ấy liên tục bị chủ nhà quấy rối tình dục. Câu chuyện còn tồi tệ hơn khi vợ tôi bị mua đi bán lại cho chủ khác và thường xuyên bị bỏ đói, bắt làm việc trong điều kiện rất tồi tệ. Qua điện thoại, vợ tôi khóc nức nở và liên tục bảo phải tìm mọi cách để đưa cô ấy về”, anh Đoán kể.
Những cú điện thoại của chị Nhủ gọi về tuy đứt quãng, nhưng anh Đoán cũng xâu chuỗi được. Theo đó, khi bị ông chủ quấy rối quá mức, chị Nhủ đã nói cho bà chủ biết và được bà ta đưa về quê ngoại tạm lánh. Tuy nhiên, tại nơi này, chị Nhủ thường xuyên phải làm việc 16-18 tiếng/ngày. Được khoảng nửa tháng thì ông chủ xuất hiện và chở chị đi bán lại cho người khác.
Nơi ở mới của chị còn tồi tệ hơn khi chỉ được cho ăn 1 bữa trưa và không được trả lương. Mà gọi là bữa trưa cho oai chứ đúng ra đó chỉ là 1 bát cơm không có thức ăn, thậm chí rau, canh cũng không có. Bữa tối chỉ có duy nhất 1 chiếc bánh mỳ.
Trong các cuộc gọi cho anh Đoán về sau này, chị Nhủ cho biết, nơi ở mới của chị giống như một ổ buôn người vì có rất nhiều phụ nữ ngoại quốc. Họ bị đưa đến đây chỉ 2-3 hôm rồi lại bị chuyển đi, thay vào đó là những phụ nữ mới. Chủ nhà dành ra tầng 3 của khu nhà để nhốt chị Nhủ cùng 2 người Việt Nam và 10 phụ nữ ngoại quốc.
Với cái nóng vùng sa mạc thường xuyên ở mức 40-50 độ C mà chừng ấy con người chỉ có 1 chiếc quạt bàn nên không ai chịu nổi. Mọi thông tin ra bên ngoài đều bị cấm. Để khỏi bị đánh đập, chị Nhủ phải cắn răng làm việc 18 tiếng/ngày như nô lệ và đợi sự giải cứu của chồng từ Việt Nam.
“Chúng tôi đang tích cực giải quyết”
Đó là khẳng định của bà Đỗ Trà My - Trưởng phòng Hành chính Công ty CIP.CO khi làm việc với phóng viên Báo ANTĐ sáng 6-7. Theo bà My, trường hợp chị Nhủ đúng là do công ty đưa đi XKLĐ, nhưng sau 2 tháng làm việc tại Ả rập-Xê út, chị Nhủ đã chuyển sang nơi làm mới trên cơ sở tự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động.
Bà My cũng cho rằng, việc chị Nhủ tố cáo bị chủ quấy rối tình dục, bắt làm việc như nô lệ, điều kiện làm việc không đảm bảo, bị mua đi bán lại hay chủ không trả lương như thỏa thuận là không đúng.
Trong lần liên lạc gần nhất với đại diện CIP.CO thì chị Nhủ cho biết là mọi công việc của chị vẫn bình thường. “Tuy nhiên, khi gia đình yêu cầu đưa chị Nhủ về thì chúng tôi đang tích cực phối hợp với công ty môi giới bên Ả rập-Xê út để giải quyết. Sở dĩ việc này không thể nhanh được do vừa rồi là tháng Ramadan của người Hồi giáo nên mọi việc bị đình trệ” - bà My nói.
Thế nhưng, sự thật không như những gì vị đại diện của CIP.CO trao đổi với Báo ANTĐ. Bằng chứng là khi mọi việc đã ngoài tầm kiểm soát, CIP.CO phải cầu cứu tới Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập-Xê út và nói rõ trong văn bản ngày 29-5 để nhờ can thiệp là: “Công ty và cán bộ đại diện tại Ả rập-Xê út đã can thiệp với môi giới và chủ sử dụng lao động yêu cầu cho lao động liên lạc với gia đình và giải quyết cho lao động về nước nhưng họ không phối hợp.
Thậm chí chủ sử dụng lao động còn tự ý chuyển lao động qua chủ khác, không thông qua CIP.CO và người lao động khiến công ty rất khó khăn trong việc có được thông tin chính xác về người lao động. Hiện tại công ty chỉ biết chị Nhủ đang ở trong một nhà chủ nào đó thuộc khu Hail, bị quản lý chặt chẽ, chỉ có thể liên lạc qua số điện thoại chủ nhà.
Công ty đã yêu cầu môi giới can thiệp nhưng môi giới rũ bỏ trách nhiệm, chủ nhà đầu tiên cũng ngắt liên lạc. Công ty đang rất khó khăn để liên lạc với chị Nhủ nhằm hướng dẫn ứng phó hay định vị chỗ ở hiện tại trong khi chủ sử dụng lại không chịu đàm phán để cho lao động về nước”.
Trong khi đó tại bản cam kết giữa ông Lê Ngọc Tuân - Phó Giám đốc Công ty CIP.CO với anh Đoán thì công ty đảm bảo sẽ đưa chị Nhủ về trong 2-3 tuần kể từ ngày 10-5-2017. Thế nhưng thời hạn này đã qua từ lâu mà hiện nay số phận của chị Nhủ vẫn chưa biết thế nào. ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Tác giả: Nguyễn Long
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô