Du lịch

Loài động vật quý hiếm bậc nhất, cả thế giới chỉ Việt Nam có: Còn khoảng 200 cá thể, Hà Giang đang nỗ lực bảo tồn

Những năm qua, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Giang triển khai Dự án bảo tồn Voọc mũi hếch, giúp loài vật quý này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới hiện nay và là loài đặc hữu của Việt Nam, được tìm thấy chủ yếu ở các vùng núi đá vôi phía bắc nước ta. Loài vật này đang bị đe dọa tuyệt chủng cao nhất thế giới bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá.

Khác với nhiều loài linh trưởng khác, Voọc mũi hếch có khuôn mặt rất đặc biệt và dễ gây chú ý với chiếc mũi hếch lên cùng đôi mắt to tròn. Chúng còn có những đặc điểm nhận dạng khác như bộ lông nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt có màu trắng nhạt. Vùng ngực, bụng, mặt trong chi trước và chi sau có màu trắng mờ, đuôi dài hơn thân, lông xù. Voọc con mới sinh có lông màu vàng nhạt, khi trưởng thành sẽ chuyển sang màu giống như con lớn.

Ảnh: FFI

Theo các nhà khoa học, loài voọc mũi hếch thường có hơn 90% thời gian trong ngày ở trên cây. Do bản tính nhút nhát, loài Voọc này hạn chế xuống đất để tránh những mối nguy hiểm. Cũng vì sự nhạy cảm đó nên voọc kén môi trường sống và dễ rời đi nếu gặp mối đe dọa đến môi trường sống. chủ.

Voọc mũi hếch đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng bằng cách phân tán hạt giống thông qua chế độ ăn uống của chúng. Sau khi ăn các loại trái cây, chúng thải ra hạt giống, giúp nhiều loài cây phát triển và phủ xanh rừng. Tuy nhiên, điều đáng buồn là Voọc mũi hếch đang phải đối mặt với sự suy giảm số lượng nghiêm trọng.

Theo Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật Hoang dã Quốc tế (FFI), tính đến năm 2024, ước tính có khoảng 200 cá thể voọc mũi hếch tại Hà Giang. Trước đây đơn vị cũng ghi nhận cá thể này ở Tuyên Quang, nhưng hơn 10 năm nay không còn thấy xuất hiện, có thể do môi trường sống bị tác động

Loài vật này nằm trong danh sách 25 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ IUCN với mức độ "Rất nguy cấp" (CR). Vì vậy, việc bảo tồn voọc mũi hếch là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức và cơ quan chức năng.

Ảnh: Báo Hà Giang

Cũng theo FFI, Hà Giang hiện là địa phương duy nhất còn ghi nhận sự tồn tại của hai quần thể voọc mũi hếch. Từ năm 2002, tổ chức này đã phối hợp triển khai các hoạt động bảo tồn tại khu rừng Khau Ca – nơi có quần thể lớn nhất, thuộc Vườn Quốc gia Du Già, trải rộng trên địa bàn hai huyện Bắc Mê và Vị Xuyên. Nhờ các nỗ lực bảo tồn, số lượng voọc tại đây đã tăng từ dưới 90 cá thể vào năm 2002 lên hơn 160 cá thể vào năm 2020, giúp loài này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng tức thời.

Hiện tại, Hà Giang đang triển khai Dự án bảo tồn loài voọc mũi hếch và các loài động, thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2022-2025 cùng Tổ chức FFI phối hợp thực hiện. Dự án có mục tiêu bảo vệ, duy trì nguyên trạng hệ sinh thái rừng - nơi sinh sống của loài voọc mũi hếch, đồng thời bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm khác tại đây.

Tác giả: Ánh Lê (Tổng hợp)

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: voọc mũi hếch ,Hà Giang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP