Trắc đỏ là một trong những loại gỗ quý hiếm bậc nhất tại Việt Nam. Trên thị trường hiện nay, gỗ trắc được mua với giá 100.000 - 800.000 đồng/kg tuỳ vào từng thời điểm. Ví dụ, gỗ trắc đỏ có đường kính dưới 15cm có thể có giá khoảng 800.000 đồng/kg, trong khi loại có đường kính trên 15cm có thể đạt khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Gỗ trắc đỏ có thể lên đến 500 triệu đồng/m³, tùy thuộc vào thị trường và chất lượng gỗ.
“Gỗ trắc cũng là loại gỗ tốt, nhưng thời điểm những năm 2000, nó chỉ có giá trị ở mức trung bình. Phải đến khi các thương lái Trung Quốc “càn quét” thu mua thì đồ làm từ gỗ trắc mới trở nên vô cùng có giá trị”, báo VietNamNet thông tin.
Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Cây giống Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, trắc đỏ thuộc cây họ đậu khai thác lõi. Gỗ trắc đỏ là một loại quý hiếm, rất đáng để đầu tư trồng lâm nghiệp.
Gỗ trắc đỏ có màu đỏ sẫm, đỏ nâu hoặc nâu tím. Khi mới cắt, gỗ có thể có màu đỏ tươi hơn, nhưng dần chuyển sang đỏ sẫm hoặc nâu sẫm theo thời gian do quá trình oxy hóa.
Ông Biên cho hay, hiện nay, nhiều dự án trồng rừng cũng đã trồng trắc đỏ để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loại cây này, do những năm trước đây trắc đỏ bị khai thác quá mức để bán cho thương lái Trung Quốc, dẫn đến cạn kiệt.
![]() |
Trắc đỏ. |
Theo ông Biên trắc có trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Lào, Thái Lan.
Lý giải nguyên nhân trắc đỏ lại được thương lái thu mua với giá cao, ông Biên cho hay: “Riêng các loại cây lấy lõi như cây sưa, trắc đỏ trồng tại Việt Nam được đánh giá cao hơn rất nhiều các nước khác. Vì vân gỗ có màu sắc đẹp nổi trội. Có thể do thổ nhưỡng tại Việt Nam nên cây phát triển tạo vân màu sắc đều hơn so với ở quốc gia khác”.
Tại Việt Nam, gỗ trắc đỏ phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Trị, và rải rác ở khu vực Nam Bộ.
Gỗ trắc cũng được tìm thấy ở một số nước Đông Nam Á khác như Lào, Campuchia và Thái Lan.
Cây lâm nghiệp đáng trồng
Theo ông Biên, trắc đỏ là cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Gỗ trắc dễ thương mại, nhu cầu sử dụng nhiều. Với trắc đỏ, thời gian trồng khoảng 20 năm thì sẽ có thể khai thác được.
Chi phí đầu tư trồng trắc đỏ không quá đắt. Một hecta có thể trồng khoảng 500 cây, với chi phí giống khoảng 4 triệu đồng, còn phân bón và công trồng tốn khoảng hơn 10 triệu đồng.
Ông Biên cho biết, trong các cây lâm nghiệp, trắc đỏ không quá mất công chăm sóc, cần lưu ý bón phân cho cây 2 lần/năm và làm cỏ, về sau cây có tán thì không mất công làm cỏ.
Hấp thụ CO2 cao
Ông Biên cho biết, trắc đỏ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà giá trị lớn nhất là bảo vệ rừng. Loại cây này có chỉ số hấp thụ CO2 rất cao. Trồng cây gỗ trắc góp phần tăng diện tích rừng, cải thiện chất lượng môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giúp giảm lượng khí nhà kính trong không khí. Rừng trắc đỏ phát triển giúp cân bằng hệ sinh thái, điều hòa khí hậu địa phương.
Cây có rễ khỏe, ăn sâu dưới lòng đất. Tán cây trắc rộng giúp bảo vệ đất, chống xói mòn và giữ nước.
Việc trồng cây trắc đỏ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ rừng, phục hồi hệ sinh thái, giảm biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học. Để đạt hiệu quả cao, cần có chính sách hỗ trợ trồng trắc đỏ bền vững, kết hợp bảo tồn và phát triển kinh tế rừng.
Tác giả: Ngọc Minh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn