Trong buổi làm việc với PV về vấn đề lực lượng hải quan, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế nhận tiền bôi trơn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu La Lay Lê Chí Thành ban đầu khẳng định không có chuyện cán bộ hải quan cửa khẩu ban hành “luật ngầm”, vòi vĩnh, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp vận tải làm thủ tục xuất - nhập cảnh.
Ông Thành giải thích: Khi người dân, phương tiện đến làm thủ tục tại bục hải quan cửa khẩu thì phải đóng phí 20 nghìn đồng để mở tờ khai.
Trước đây, việc thu phí mở tờ khai được làm trực tiếp tại phòng làm việc của hải quan nhưng kể từ ngày 1/4, việc thu phí này bắt buộc phải nộp qua ngân hàng theo hướng dẫn của thông tư 136 do Bộ Tài chính ban hành.
Có một số trường hợp như khách vãng lai, phương tiện không qua lại thường xuyên thì vẫn đóng phí mở tờ khai cho cán bộ hải quan cửa khẩu.
“Tôi dám khẳng định là lực lượng hải quan tại cửa khẩu La Lay không có những hành động này. Việc thu phí là đúng”, ông Thành nói.
Sau khi PV cung cấp hình ảnh, tư liệu về việc nhiều cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay có dấu hiệu nhận tiền bôi trơn đối với người dân và chủ phương tiện khi đến cửa khẩu làm thủ tục thông quan, ông Thành thay đổi hoàn toàn thái độ.
Ông Lê Chí Thành (trái) đang xem hình ảnh cấp dưới của mình nhận tiền |
Từ hình ảnh PV cung cấp, ông Thành cho biết một số cán bộ hải quan cửa khẩu La Lay như ông Hoàng Đình L., Hoàng Đức N., Đặng Tiến D.… liên quan đến việc nhận tiền bôi trơn khi làm thủ tục cho người dân tại cửa khẩu.
Theo ông Thành, mỗi ngày có khoảng 30-60 phương tiện đến làm thủ tục xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu La Lay.
Chỉ đủ mua lon bia, con gà tiếp khách
Vị Chi cục trưởng khẳng định, những hình ảnh đưa - nhận tiền lệ phí này là hiện tượng diễn ra thường xuyên.
Việc nhận tiền trái quy định của hải quan cửa khẩu La Lay diễn ra công khai và thường xuyên |
Thông thường, khi người dân, chủ phương tiện vào làm thủ tục, đưa 100 nghìn đồng thì cán bộ hải quan phải trả lại 80 nghìn đồng, đưa 200 nghìn thì cán bộ phải trả lại 180 nghìn tiền thừa.
“Nhưng do anh em hải quan cửa khẩu điều kiện khó khăn, thẻ lương thì vợ cầm, lâu lâu mới có một vài phương tiện, hàng hóa qua về nên nhiều lúc, người dân họ không lấy lại tiền thừa mà bồi dưỡng cho cán bộ để uống nước.
Nói thật, mỗi ngày có khoảng 20 phương tiện, họ đưa 100 nghìn để đóng phí mà không lấy lại tiền thừa thì anh em có thêm 1,6 triệu đồng. Khoản tiền này chỉ đủ để anh em mua lon bia, con gà ngồi tiếp khách…”, ông Thành nói thêm.
Cũng theo vị Chi cục trưởng, “việc thu thêm tiền ngoài phí thế này là sai rồi nhưng do anh em khổ quá”.
Ông Thành cũng thừa nhận: “Trước đây, xe khách qua về cửa khẩu có thể cho anh em cán bộ 800 nghìn đến 1 triệu đồng nhưng giờ làm ăn khó khăn, họ gửi cho anh em 30-50 nghìn đồng anh em cũng vui vẻ rồi”.
Chấn chỉnh kiểm dịch viên thu tiền sai
Trong khi đó, ông Hoàng Kim Quốc - cán bộ phụ trách kiểm dịch y tế quốc tế (thuộc Sở Y tế Quảng Trị) thừa nhận, việc cán bộ kiểm dịch tại khu vực cửa khẩu La Lay nhận tiền của chủ phương tiện vượt quy định là sai.
Cán bộ phụ trách kiểm dịch y tế quốc tế La Lay Hồ Kim Quốc cho rằng, việc cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế nhận tiền vượt quy định là sai |
Ông Quốc cho biết, chức năng của cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế được thực hiện theo nghị định 89/NĐ-CP về kiểm dịch biên giới và thu phí hàng hóa theo thông tư 240 của Bộ Tài chính.
Theo đó, cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế thu phí khử trùng từ 25-55 nghìn đồng đối với các loại phương tiện qua về cửa khẩu, mức thu phí hàng hóa được tính theo tấn.
“Mọi hoạt động thu chi đều phải có hóa đơn chứng từ. Từ những hình ảnh PV cung cấp, tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh nếu có sai phạm”, ông Quốc nhấn mạnh.
Tác giả: Quang Thành
Nguồn tin: Báo VietNamNet