Trong tỉnh

Làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi ở Nghệ An: Chủ tịch hội cựu chiến binh trần tình

Chủ tịch hội cựu chiến binh xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An) phân trần việc làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh cũng giống như vượt đèn đỏ, biết là sai nhưng không thể dừng lại.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc, thành phố Vinh (Nghệ An) đi bộ đội từ tháng 2/1975, làm công tác ở Cục Hậu cần Quân khu 4. Đến năm 1982, ông Sáu giải ngũ trở về địa phương.

Ông Sáu làm giả hồ sơ thương binh và bắt đầu hưởng chế độ thương binh với tỷ lệ thương tật 27% từ năm 2003. Cao nhất mỗi tháng ông nhận được khoảng 1 triệu đồng tiền chế độ, còn trước đó thì ít hơn, mỗi tháng chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Đến tháng 9/2018, việc ông Sáu làm giả hồ sơ thương binh bị phát hiện nên bị dừng các khoản trợ cấp.

Ông Nguyễn Văn Sáu hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc, TP Vinh. (Ảnh: Trần Lộc)

Chiều 26/12, trả lời PV về việc làm giả hồ sơ thương binh để trục lợi, vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Lộc cho biết: “Tôi tự làm hồ sơ và tự đi khám tại Hội đồng y khoa tỉnh Nghệ An (phường Hưng Dũng, TP Vinh).

Nói thật thời điểm đó dễ, giống như qua ngã tư đèn đỏ. Phía trước không có công an, hai bên không có người đi lại thì ai cũng đi cả. Biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng mình đứng lại thì xe phía sau họ cũng đẩy mình đi thôi”.

Ông Sáu chia sẻ, sau khi sự việc bị phát hiện, ông đã làm kiểm điểm từ chi hội cựu chiến binh lên chi hội xã và lên cả đảng ủy xã. Ông này cho biết không nhớ rõ đã nhận được bao nhiêu tiền từ chế độ thương binh. Hiện tại, ông vẫn chưa hoàn trả lại tiền chế độ cho Nhà nước.

Trước đó, ông Ngô Minh Trinh - Phó trưởng Ban quản lý dự án của Công ty Điện lực Nghệ An cũng làm giả hồ sơ thương binh với tỷ lệ thương tật 37%. Đến thời điểm bị phát hiện, ông Trinh đã trục lợi hơn 111 triệu đồng tiền chế độ thương binh. Sau khi bị phát hiện, ông Trinh đã hoàn trả tất cả số tiền đã trục lợi.

Được biết, trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện tại Nghệ An có 569 trường hợp được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị.

Số tiền mà các đối tượng đã hưởng sai phải truy thu là hơn 118 tỷ đồng. Trung bình mỗi người nhận từ 120 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng trong hơn 10 năm qua.

Trả lời về danh sách 569 người làm giả hồ sơ để trục lợi chế độ thương binh, bà Hồ Thị Châu Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An cho biết: “Theo quy định của Luật Thanh tra nên danh sách nói trên không được công bố công khai, mà chỉ gửi tới các cá nhân, tổ chức được thanh tra”.

Tác giả: TRẦN LỘC

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP