Công cụ, nguồn tài liệu nhanh
Là người theo học ngành Tâm lý học, Đăng Khoa, sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM thường sử dụng AI để tìm đọc tài liệu, đặc biệt là những tài liệu chuyên ngành nước ngoài và yêu cầu dịch sang tiếng Việt hoặc ngược lại.
Sinh viên trải nghiệm môi trường số (UEH) |
Khoa cho biết công cụ này rút ngắn được thời gian tìm tài liệu và có thêm thời gian tập trung ở những công việc khác. “Em thấy có rất nhiều thuận lợi khi sử dụng chat GPT vào trong việc học, nó giúp tìm thông tin nhanh hơn và nếu nếu mình biết cách hướng dẫn những câu hỏi đưa ra cho mình cũng sẽ đáp ứng của mình rất nhiều", Đăng Khoa nói thêm.
Còn Văn Tùng, sinh viên năm 2 một trường Cao đẳng ở TP.HCM cho biết, bạn cũng thường sử dụng AI vì hầu hết phần mềm hiện nay đều tích hợp. Tùng thường yêu cầu AI xử lý về âm thanh, hình ảnh, đồ họa rất nhanh và không tốn quá nhiều thời gian.
"Ví dụ về thiết kế, mình dùng trí tuệ nhân tạo tách nền một nhân vật rất nhanh thay vì phải ngồi mình vẽ từng điểm một để tách được nền đó, mình thấy rất tiện khi sử dụng trí tuệ nhân tạo", Tùng cho biết thêm.
Tuy vậy, những sinh viên này cho biết, vì đã được cảnh báo nên các bạn thường tìm kiếm thông tin, kiểm chứng lại nội dung được AI đưa ra để lấy thông tin chuẩn xác nhất.
Cần sự dẫn dắt của người thầy
Không thể phủ nhận những lợi ích của trí tuệ nhân tạo đối với việc học tập hiện nay. Nhưng nếu sinh viên quá lạm dụng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bằng chứng là gần đây một sinh viên đã dùng AI để làm bài và bị chấm 0 điểm ở một trường Cao đẳng tại TP.HCM, gây tranh cãi ồn ào.
Ngoài sử dụng trí tuệ nhân tạo, sinh viên cũng cần những hoạt động, trải nghiệm tương tác trực tiếp (NTCC) |
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện công nghệ thông minh và tương tác thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM, các công dụ AI có tác động tích cực đến tư duy sáng tạo của sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên cơ hội khám phá những kiến thức, kỹ năng mới
Tuy nhiên, điều đó cũng có mặt tiêu cực là giảm tính sáng tạo, quá phụ thuộc vào công cụ đó. Sinh viên sẽ cảm thấy nếu không có công cụ đó sẽ không thể giải quyết được vấn đề.
Ngoài ra, kết quả mà AI đưa ra chưa chắc đúng hoàn toàn vì chúng dựa trên cơ sở dữ liệu, nếu cơ sở dữ liệu sai thì câu trả lời cũng không đúng.
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho rằng: "Giáo viên phải đủ kiến thức và năng lực để giám sát kiểm tra vấn đề đó. Nếu giáo viên không đủ kiến thức cũng như khả năng nhận biết vấn đề đó giải quyết bằng AI hay con người thì rất khó."
TS Lê Mạnh Hải, Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Gia Định cho biết, hiện nay, ngoài phần mềm chống lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong việc học hành, Khoa cũng đang áp dụng biện pháp giáo dục sinh viên. Tiếp đến, Khoa hướng đến việc thay đổi trong cách dạy học.
"Giáo viên phải sáng tạo những câu hỏi đòi hỏi sinh viên phải biện luận cho việc đúng hay sai, việc này AI không làm được. Hoặc những bài toán không có lời giải bắt buộc sinh viên phải suy nghĩ, hay những bài giải cần tư duy logic thì máy tính sẽ không thực hiện được bởi AI chỉ thực hiện trả lời đúng hoặc sai", TS Lê Mạnh Hải cho biết thêm.
Hiện nay, việc sử dụng AI không phải là xấu. Nếu biết tận dụng AI, biến nó trở thành công cụ hỗ trợ sẽ tiết kiệm nhiều thời gian để đầu tư cho việc sáng tạo. Tuy nhiên nếu quá phụ thuộc, sinh viên có thể đánh mất đi nhiều khả năng như tư duy phản biện, sáng tạo. Chính vì vậy nó cũng đòi hỏi giảng viên cần có đủ năng lực để nhận biết đâu là vấn đề do AI giải quyết và đâu là do con người giải quyết.
Tác giả: Vũ Hường
Nguồn tin: vov.vn