Kinh tế

Làm điều không tưởng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đương đầu thách thức mới

Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dồn dập tấn công vào các lĩnh vực mới nhờ thế mạnh của vị thế số 1. Tuy nhiên, áp lực cũng ngày càng tăng lên và đường di tới phía trước còn dài và chông gai.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng vừa được cấp cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng ra công chúng nhằm cơ cấu lại các khoản nợ của tập và lành mạnh hóa các chỉ tiêu tài chính.

Theo đó, Vingroup sẽ chào bán 20 triệu trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu theo 2 đợt. Tổ chức tư vấn và bảo lãnh phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS).

Vingroup sẽ dùng số tiền 1.000 tỷ đồng để thanh toán gốc trái phiếu VIC11504 vào ngày 27/12/2018 và dùng 1.000 tỷ đồng còn lại để thanh toán gốc trái phiếu VIC11707 vào ngày 28/2/2019.

Động thái huy động thêm vốn để thanh toán nợ cũ được coi là tất yếu bởi Vingroup của ông Vượng đang căng mình đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực, từ hàng tỷ USD vào sản xuất ô tô, hàng loạt các dự án bất động sản mới, mở rộng mạng lưới bán lẻ, sản xuất điện thoại, cho đến đầu tư vào lĩnh vực công nghệ với cái đích đến là trở thành 1 tập đoàn công nghệ-công nghiệp-dịch vụ, thay vì công nghiệp và dịch vụ như hiện tại.

Hàng tỷ USD đã được rót vào các lĩnh vực mới trong khi lợi nhuận thu về chỉ vài ngàn tỷ. Việc huy động thêm vốn để trả nợ cũ hay dùng cho các dự án mới, hướng đi mới là tất yếu. Khởi nghiệp bằng sản xuất, dịch vụ và bất động sản để rồi chuyển sang công nghệ không phải là hướng đi mới mẻ. Rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã làm như vậy như: Samsung, LG,... Tuy nhiên, để đảm bảo thành công thì việc duy trì được dòng tiền, đảm bảo được sự an toàn tài chính cũng như sự may mắn là cần thiết.

Phạm Nhật Vượng

Ông Phạm Nhật Vượng.

Gần đây, hồi đầu tháng 10, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã điều chirh triển vọng xếp hạng của Vingroup từ ổn định xuống tiêu cực sau khi ông Vượng đầu tư hàng tỷ USD vào dự án ôtô VinFast.

Theo Fitch, mức triển vọng “tiêu cực” của Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng phản ánh rủi ro đang tăng lên trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc vay vốn đã khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản được cải thiện đôi chút phiên thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, áp lực bán và tâm lý lo ngại những biến động tiêu cực trên thế giưới vẫn ảnh hưởng tới thị trường.

Nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường như Vinhomes, Vincom Retail, VietJet, Sabeco, Eximbank,... hút dòng tiền khá tốt và trụ đỡ cho thị trường không bị giảm sâu. Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng diễn biến tích cực nhờ dự báo kết quả kinh doanh vẫn còn tốt trong năm 2018.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc mạnh trong khoảng giá 950-960 điểm. SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạn chế mua đuổi trong vùng giá này và nên tích cực quan sát thị trường, có thể cân nhắc chốt lời dần nếu như VN-Index có những nhịp kéo lên trên ngưỡng 960 điểm (theo phân tích kỹ thuật thì target của VN-Index theo mô hình 2 đáy trước đó là khoảng giá 960-980 điểm)..

FPTS cho rằng, nếu không xuất hiện tín hiệu hoặc tác động xấu bất ngờ tới tâm lý thì kịch bản tăng giá vẫn được bảo lưu cho chu kỳ ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tiếp tục tranh thủ trạng thái điều chỉnh để tăng tỷ trọng cổ phiếu thuộc nhóm ngành dẫn dắt trong danh mục.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/12, VN-Index giảm 2,32 điểm xuống 954,82 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm xuống 107,1 điểm. Upcom-Index giảm 0,08 điểm xuống 53,3 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 260 triệu đơn vị, trị giá 4 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V.Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP