Pháp luật

Lá đơn gửi Chánh án của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước ngày hầu tòa

Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Hà Nội trước phiên tòa liên quan vụ mua chế phẩm Redoxy-3C vào ngày 10/12 tới đây.

Theo quyết định của TAND TP Hà Nội, ngày 10/12, tòa sẽ đưa ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cùng 2 đồng phạm ra xét xử tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.

Trước ngày ra tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (1 trong 5 luật sư tham gia bào chữa) cho biết, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP Hà Nội.

Theo luật sư Thiệp, nội dung đơn, ông Chung có giải trình thêm về các vấn đề thể hiện trong cáo trạng truy tố vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C.

Trong đó, ông Chung cho rằng, chưa nói đến việc mua Redoxy- 3C là đúng hay sai, nhưng kết quả thử nghiệm ban đầu vào quý 3/2016 và kết quả thực tế năm 2017, 2018, 2019, phải xác định Redoxy- 3C là một sản phẩm công nghệ sinh học phù hợp với thực tế và cho hiệu quả rất cao về kinh tế.

Việc đưa Redoxy- 3C vào sử dụng là một chủ trương đúng, hiệu quả với thực tế, có lợi nhất cho ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Chung cũng không đồng tình với bản cáo trạng kết luận số tiền thiệt hại và nhiều nội dung khác.

Cũng theo luật sư Thiệp, trong đơn ông Chung trình bày, ở giai đoạn đầu có chỉ đạo nhưng sau đó, đã đi mổ ung thư phổi tại Pháp từ tối ngày 15/10/2016 đến 10/11/2016.

Trong khi đó, Công ty thoát nước ký hợp đồng mua lô hàng thứ 3 vào ngày 31/10/2016. Do đó, ông Chung cho rằng, việc bắt chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động là không ổn.

"Tại phiên tòa tới đây, ông Chung mong muốn sẽ trình bày một cách rõ ràng, khách quan, đúng sự thật các nội dung liên quan còn việc đánh giá do HĐXX", luật sư Thiệp nói.

Về sức khỏe, tinh thần của ông Chung trước phiên tòa, luật sư Thiệp thông tin, hiện tại đều tốt, ổn định, tuy nhiên, vẫn phải dùng thuốc đều.

"Tinh thần ông Nguyễn Đức Chung vững vàng, sức khỏe ổn định. Tôi rất phục trí tuệ và trí nhớ của ông Chung.

Trong điều kiện trại tạm giam, không có đủ tài liệu nhưng tất cả các quy định, quyết định, chỉ đạo tại các cuộc họp từ những năm 2015 - 2016 đến giờ vẫn nhớ rõ", luật sư Thiệp nói thêm.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngoài luật sư Nguyễn Huy Thiệp còn có 4 luật sư khác tham gia bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung gồm: Luật sư Đào Hữu Đăng, Đỗ Văn Đương, Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Tiến Lập, đều thuộc Đoàn luật sư Hà Nội.

Trong vụ án này, bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ ông Nguyễn Đức Chung) được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hoa là luật sư Giang Hồng Thanh, thuộc Văn phòng luật sư Giang Thanh- Đoàn luật sư Hà Nội.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Chung là người quyết định việc mua bán chế phẩm Redoxy- 3C trái pháp luật và phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước, để Công ty Arktic (Công ty gia đình) được hưởng khoản lợi nhuận không chính đáng, khiến ngân sách Nhà nước bị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chung còn chỉ đạo ông Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy- 3C của Công ty Arktic trái với chỉ đạo của chính bị cáo tại Thông báo số 308 ngày 22/8/2016.

Quá trình điều tra, cựu Chủ tịch Hà Nội không thừa nhận hành vi phạm tội.

Trước khi phạm tội, ông Nguyễn Đức Chung có nhiều thành tích công tác, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tặng thưởng nhiều Bằng khen nên VKS cho rằng bị cáo được xem xét đánh giá trong quá trình xét xử.

Cũng theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Đức Chung bị kê biên quyền sử dụng 102,7m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 88 phố Trung Liệt; bị kê biên quyền sở hữu 2 căn hộ chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tác giả: Hoàng Đan

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP