Được mùa được giá, dân thu gần 5.800 tỷ đồng
Theo Bộ NN-PTNT, những năm gần đây, ngành rau quả có sự tăng trưởng đột biến, trở thành ngành thế mạng của nông nghiệp Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2016. Nhưng trên thực tế, nhiều loại nông sản vẫn luôn trong tình được được mùa mất giá. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong nhiều năm gần đây.
Chẳng nói đâu xa, đầu năm nay, tại huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Hưng Nguyên,... (Nghệ An), nông dân bỏ thối rau đầy đồng, không thèm thu hoạch. Lý do, su hào rớt giá thê thảm chỉ còn 1.000 đồng/củ, hành hoa 3.000-4.000 đồng/kg, cải bắp hay rau cải các loại 1.000 đồng/kg. Hay giữa tháng 3 vừa qua, tại xã Tráng Việt (Hà Nội), củ cải giá rớt thảm xuống chỉ còn 500 đồng/kg. Hồi đầu tháng 5, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi có đến 3.000 tấn dưa hấu của người nông dân bế tắc đầu ra, giá cũng giảm chỉ còn 1.000 đồng/kg và phải kêu gọi giải cứu,... Cà chua, hành tím, bí đao, chuối, thanh long, ớt,... cũng thường xuyên đối mặt tình trạng này.
Không còn điệp khúc được mùa mất giá, năm nay người dân Bắc Giang có vụ vải thiều được mùa được giá với doanh thu lên tới gần 5.800 tỷ đồng (ảnh Lê Anh Dũng) |
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng thừa nhận, nguyên nhân chính là khâu chế biến, thương mại, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu còn yếu và do tính mùa vụ nên một số loại nông sản như nhãn, vải thiều khi vào chính vụ xảy ra tình trạng bán tống bán tháo.
Tuy nhiên, bài toán nan giải “được mùa mất giá” đã không còn lặp lại trong vụ vải thiều 2018 của Bắc Giang khi người nông dân đã có một vụ bội thu, được mùa được cả giá.
Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều và thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là doanh thu từ các ngành dịch vụ phụ trợ.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang, cho biết, có thể khẳng định đây là vụ vải được mùa được cả giá. Theo đó, giá vải bình quân đạt 16.000 đồng/kg, giá vải những ngày cuối vụ này là 35.000-45.000 đồng/kg.
So với những năm trước, diện tích vải thiều toàn tỉnh giảm 1.000ha, nhưng sản lượng lại tăng cao chưa từng có, lên tới 215 ngàn tấn. Với doanh thu đạt gần 5.800 tỷ đồng, so với vụ vải năm 2017 thì doanh thu năm nay tăng gần 430 tỷ đồng và tăng hơn so với năm 2016 là 1.133 tỷ đồng.
"Không chỉ được mùa được giá, vải thiều còn không đủ xuất đi các thị trường. Thay bằng chợ vải chỉ hoạt động nửa ngày như những năm trước, năm nay chợ họp từ sáng sớm cho đến 10 giờ đêm", ông Tấn khoe. Năm nay, vải thiều Bắc Giang còn xuất khẩu tới hơn 30 thị trường.
Bội thu vì làm ăn bài bản
Chia sẻ về một vụ mùa bội thu và phá bỏ được điệp khúc buồn “được mùa mất giá”, ông Tấn cho hay, trước kia rất nhiều vụ Bắc Giang gặp tình trạng được mùa nhưng giá rớt thảm.
Đỉnh điểm là năm 2009, khi ấy người nông dân phải bán vải với giá 2.000-4.000 đồng/kg. Thế nhưng, đến cuối năm 2014, tỉnh Bắc Giang bắt đầu xây dựng kế hoạch dài hạn cho vùng trồng vải thiều một cách bài bản, xác định rõ phải phải làm theo chuỗi, trong đó sản xuất như thế nào, tiêu thụ, chế biến ra sao, phân công cho các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện vào cuộc như thế nào.
Theo lãnh đạo tỉnh, dù trùng với vụ vải Trung Quốc, nhưng vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu vẫn có giá cao hơn gấp 3-5 lần giá vải Trung Quốc (ảnh Lê Anh Dũng) |
Trên cơ sở đó, từ 2015, Bắc Giang lên kế hoạch giảm từ 33.000 ha xuống còn 28.000 ha để chuyển sang cây trồng cho thích hợp. Địa phương này xây dựng các HTX, doanh nghiệp để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bỏ cách thức sản xuất manh mún nhỏ lẻ tự phát từng nhà. Nhờ đó, diện tích vải thiều VietGap ngày càng tăng, chất lượng vải cao nhất so với tất cả các vùng trồng vải ở thế giới.
Theo ông Tấn, năm 2018, ngay khi vải ra hoa Bắc Giang đã biết năm nay sẽ có một vụ vải bội thu nên mọi công tác chuẩn bị đều chủ động. Người nông dân chủ động chăm sóc vải để có quả vải có chất lượng tốt nhất, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng của tỉnh lên phương án xúc tiến thương mại cả ở trong nước và nước ngoài. Tiếp tục mở cửa các thị trường mới, tăng cường sản lượng xuất sang các thị trường cũ.
Trước kia, đến mùa thu hoạch vải thiều, các thương lái thường chủ động dẫn dắt giá vải. Năm nay thì ngược, Bắc Giang hoàn toàn chủ động được giá vì không còn phụ thuộc vào một thị trường. Đặc biệt, dù trùng với vụ vải của Trung Quốc, song giá vải của Bắc Giang vẫn cao gấp 3-5 lần bởi chất lượng vải vượt trội so với chất lượng vải Trung Quốc.
“Người nông dân và chính quyền Bắc Giang đã học được cách sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Tìm hiểu thị trường cần gì sau đó mới sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Thế nên, vụ vải này được cả mùa được cả giá”, ông Tấn đúc kết.
Đánh giá về một vụ vải thiều bội thu của Bắc Giang, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) nhận định, vụ vải này thắng lợi là do chính quyền Bắc Giang cùng người dân đã làm rất bài bản.
Theo ông Công, nhìn vào bài học của Bắc Giang thì thấy các tỉnh có vùng cây ăn quả cũng cần học hỏi và làm quyết liệt như vậy. Sản xuất phải theo tín hiệu thị trường, không nên phát triển ngẫu hứng đơn lẻ, bởi Chính phủ không thể quán xuyến hết, cái đó phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Hiện hai tỉnh trồng nhãn là Hưng Yên và Sơn La cũng áp dụng cách làm như Bắc Giang để có một vụ nhãn thắng lợi.
Tác giả: Bảo Phương
Nguồn tin: Báo VietNamNet