Giáo dục

Kỷ luật học sinh đánh bạn: Tạm dừng việc học là xong?

Thời gian qua, nhiều vụ học sinh đánh bạn xảy ra gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên hình thức kỷ luật học sinh thế nào để các em nhận thức được sai lầm từ đó sửa chữa là câu hỏi đặt ra.

Nữ sinh lớp 8 đánh nữ sinh lớp 6 rách mặt, chảy máu tại Trường THCS Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) vừa bị tạm dừng việc học 6 ngày, xếp loại rèn luyện Chưa đạt.

Trước đó, theo nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội, chiều 26/1, một phụ huynh Trường THCS Kiến Hưng đến trường đón con gái (đang học lớp 6), thấy mặt của con có nhiều vết thương chảy máu. Theo kể lại, con chị bị một bạn cùng trường đánh.

Qua xác minh sự việc, đại diện Phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, khoảng 17h ngày 26/1 (sau khi tan học tiết 5), tại lớp 6A4 Trường THCS Kiến Hưng đã xảy ra xô xát giữa học sinh P.H.M.P. (lớp 8) và học sinh N.T.A. (lớp 6). Nhà trường đã báo cáo Công an phường Kiến Hưng. Theo kết quả xác minh của công an, trong quá trình xô xát, các học sinh chỉ dùng chân tay.

Ngay sau đó, hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A4, đại diện công an, chính quyền địa phương đã đến gia đình học sinh N.T.A. thăm hỏi, động viên. Hiện tại, sức khỏe và tinh thần học sinh này ổn định.

Nhà trường đã tổ chức họp hội đồng kỷ luật học sinh P.H.M.P. và xử lý kỷ luật theo quy định. Hai bên gia đình học sinh cũng đã gặp gỡ để hòa giải.

Phòng GDĐT quận Hà Đông chỉ đạo Trường THCS Kiến Hưng phối hợp với gia đình học sinh và cơ quan công an để giải quyết dứt điểm sự việc; đồng thời đề nghị nhà trường nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý học sinh.

Phòng GDĐT quận Hà Đông cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh; quan tâm sát sao đến công tác an ninh, an toàn trường học, có giải pháp kịp thời phòng, chống bạo lực học đường.

Vụ việc trên chỉ là một trong số hàng loạt vụ việc học sinh đánh bạn xảy ra trong thời gian qua. Nam sinh lớp 7 bị bạn đánh đến quên cả tên; nữ sinh bị bạn đánh tới tấp trong nhà vệ sinh; nam sinh lớp 8 bị bạn bạo hành vùng kín; học sinh lớp 8 bị nhóm học sinh từ 3 trường đánh hội đồng, lột áo…; bạo lực học đường gia tăng trong năm 2023 nhưng kỷ luật học sinh phạm lỗi thế nào để đủ sức răn đe là câu hỏi đặt ra.

Nhiều vụ học sinh đánh bạn xảy ra trong thời gian qua.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, học sinh bậc THCS là lứa tuổi tâm lý có nhiều biến động. Các em thường có những hành động bộc phát. Vì thế, không tránh khỏi những xích mích xảy ra trong phạm vi trường học.

Về vụ việc nữ sinh lớp 8 đánh nữ sinh lớp 6 rách mặt, chảy máu tại Trường THCS Kiến Hưng nêu trên, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, kỷ luật học sinh bằng hình thức tạm dừng việc học chỉ là bước đầu để học sinh chịu trách nhiệm về hành vi của mình còn việc giáo dục học sinh tốt hơn mới là biện pháp quan trọng, cần phải làm.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, với những học sinh phạm lỗi, mục tiêu chính không phải là kỷ luật các em mà là giáo dục cho học sinh nhận thức những sai lầm để từ đó sửa chữa.

Giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu xem hành vi bạo lực học đường của học sinh đã diễn ra nhiều lần hay chưa. Nếu nhiều lần, nhà trường, giáo viên cần phối hợp với gia đình đưa ra cách giáo dục khác, quan tâm tới học sinh hơn chứ không chỉ kỷ luật là xong. Trong thời gian tạm dừng việc học, nhà trường không thể thả nổi học sinh mà cần giao cho học sinh thực hiện một số hoạt động hoặc có hình thức giáo dục để các em chuộc lỗi như đến chăm sóc bạn bị đánh để từ đó hình thành cho các em tính cách tốt, suy nghĩ tốt.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, tất cả các học sinh có hành vi bạo lực học đường không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm. Như vậy, những học sinh này phải đối diện với cơ quan chức trách và có những hình thức phạt, xử lý phù hợp.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: daidoanket.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP