Đánh giá học sinh toàn diện hơn
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư 22 trong đánh giá học sinh tiểu học nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30. Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh… trong Thông tư 30 vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư 22. Bên cạnh đó việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục và từng năng lực, phẩm chất lại theo ba mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành thay cho 2 mức Hoàn thành và Chưa hoàn thành như trước kia.
Theo lý giải từ Bộ GDĐT, việc này nhằm giải đáp việc băn khoăn từ phụ huynh về việc con mình đã hoàn thành ở mức nào. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập, để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.
Theo cô Đặng Thị Hương Lài - giáo viên trường Tiểu học Quang Lộc (huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh) chấm điểm thông tư 22 được mở rộng hơn thông tư 30 và tiến bộ hơn là những lời nhận xét không buộc phải khen hay chê, thoải mái cho giáo viên chấm, đánh giá. Bên cạnh đó, thông tư 22 loại bỏ được rất nhiều cái áp đặt như trước.
“Trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện. Tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Tại thời điểm cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào Học bạ” - Cô Lài nói.
Vẫn vướng gánh nặng thành tích
Chị Trần Thị Tâm, (Vĩnh Tuy, Hà Nội) chia sẻ theo nội dung khen thưởng cuối năm học của Thông tư 22, học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện khi kết quả đánh giá tất cả các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. Như vậy để đạt được tiêu chuẩn học sinh giỏi, tất cả các môn học như Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ, Tin học hay Đạo đức, Tự nhiên & Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thủ Công, Thể dục đều phải đạt được mức Tốt trở lên.
“Điều này khiến cho việc tiến tới việc đạt danh hiệu được khen thưởng với các em học sinh tiểu học trở nên khó khăn hơn nhiều. Mặt khác, nhiều phụ huynh vì mong muốn cho con em mình có thành tích cao nên dẫn tới lại bắt các con đi học thêm những môn khác, kể cả những môn thuộc về năng khiếu như Âm nhạc hay như Mỹ thuật... Điều này vô hình chung dẫn đến gây cho các con nhiều áp lực hơn” - Chị Tâm trăn trở.
Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay: “Việc khen thưởng học sinh phải tổ chức sao cho vừa động viên được các con trong suốt quá trình cố gắng nhưng cũng phải là sự đánh giá công tâm, khách quan. Mặt khác nếu có tình trạng phải sử dụng thành tích học sinh giỏi để được vào các trường chọn thì vô hình chung chúng ta đang ép học sinh một cách nặng nề bởi tâm lý của phụ huynh luôn muốn con được học trong một trường tốt”.
Trao đổi với PV, một Phó Hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Nội cho hay, để thay đổi một quan điểm chuyển từ chấm điểm sang nhận xét học sinh hay đánh giá học sinh qua bài kiểm tra giữa kỳ và cả học kỳ là cả một quá trình. Bất kỳ một quy định mới nào đưa ra đều phải có thời gian để giáo viên, học sinh và phụ huynh làm quen dần.
Tác giả bài viết: VƯƠNG TRẦN - NGÔ CHUYÊN
Nguồn tin: