Trong nước

Kỳ bí quanh xác chết 50 năm vẫn như đang ngủ trong nhà ở miền Tây

Bản thân tôi đã phải dựng tóc gáy khi được chứng kiến một xác chết khô đét, giống như xác ướp trong các Kim tự tháp ở mãi xứ sở Ai Cập xa xôi.

Kỳ 1: Tận mắt xác chết bí ẩn

Trong những ngày lang thang ở vùng biên giới tỉnh An Giang, tôi được nghe đám buôn lậu kể về một xác chết 50 năm không phân hủy.

Chuyện nghe có vẻ hoang đường như của mấy bà có máu mê tín dị đoan thổi phồng lên, nhưng tôi vẫn cố công tìm đến tận nơi xem thực hư thế nào. Bản thân tôi đã phải dựng tóc gáy khi được chứng kiến một xác chết khô đét, giống như xác ướp trong các Kim tự tháp ở mãi xứ sở Ai Cập xa xôi.

Vòng vèo hết 30km đường đất, xuyên qua huyện Phú Tân, qua hàng chục lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm thấy ấp Phú Lộc, xã Phú Thạnh (Phú Tân, An Giang).

Ấp Phú Lộc nằm heo hút bên dòng Tiền Giang. Nhà ông Đinh Hữu Trí nằm ở cuối ấp. Đó là một ngôi nhà cổ rêu phong, đã 130 năm tuổi, do tổ tiên để lại cho ông Trí cai quản.

Khi chúng tôi đến nhà, ông Trí không có vẻ mặn mà lắm. Âu đó cũng là tâm lý của người suốt ngày phải tiếp những kẻ tò mò, rất mất việc. Khi chúng tôi giới thiệu là nhà báo, ông lại càng… lạnh nhạt hơn. Bởi chuyện của gia đình ông lên báo không chừng cả nhà sẽ trở thành “người kể chuyện” rất bận rộn mà lại chẳng được hưởng công sá gì.


Ông Trí bên xác của người anh trai 50 năm chưa phân hủy

Ông Trí bảo: “Khổ nhất là mấy người có máu mê tín dị đoan. Họ cứ phong anh tôi là thần thánh, rồi tìm đến khói hương, khấn vái xin trúng số, xin hại chết thằng hàng xóm mất dạy, xin chồng bỏ gái về với vợ con… thôi thì đủ chuyện hỉ nộ ái ố họ đem đến đây hành anh tôi… Để họ làm vậy thì không được, đuổi họ thì không xong”.

Sau nửa tiếng ngồi nghe ông kể khổ, dường như đã trút hết nỗi lòng, ông trở nên cởi mở hơn. Ông cũng có mong muốn, nhờ báo chí, có nhà khoa học nào đó về nghiên cứu và lý giải giúp gia đình ông hiện tượng kỳ lạ này.

Ông Trí dẫn chúng tôi vào gian trong ngôi nhà cổ. Đó là gian thờ riêng của gia đình. Gian thờ bài trí khá đơn sơ, chỉ có một bàn thờ giản dị cùng vài bát hương. Dưới nền nhà là chiếc áo quan bằng gỗ, sơn đỏ còn khá mới. Nắp áo quan bằng kính nên có thể nhìn rõ xác chết khô ở bên trong. Xác chết khô đó chính là người anh ruột của ông Trí, tên là Đinh Công Hạo.

Thắp nén nhang trên bàn thờ, tôi lại gần quan sát xác khô qua tấm kính mờ phủ bụi thời gian. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy xác chết còn rất nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận.


Xác ông Hạo kho quắt trong quan tài đặt trong nhà

Mặc dù xác đã khô quắt lại, nhưng da vẫn giữ được màu hồng và đôi mắt khép lại thanh thản như người đang ngủ. Đặc biệt nhất là mái tóc của ông Hạo vẫn còn nguyên vẹn. Những ngón tay, ngón chân của ông chỉ teo lại chứ không hề bị biến dạng mặc dù ông đã chết cách nay gần 50 năm.

Nhìn xác chết này, tôi chợt liên tưởng đến xá lợi hai vị thiền sư nổi tiếng của nước ta là Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Tây). Chẳng lẽ, chàng trai trẻ Đinh Công Hạo kia đã luyện được công phu thượng thừa bất hoại thân xác như các vị chân tu?

Tìm hiểu nhiều về các hình thức mộ táng, ướp xác, nên tôi cũng có chút ít hiểu biết nhất định. Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng thế giới về tài ướp xác hàng ngàn năm không phân hủy. Tuy nhiên, để ướp được xác, người Ai Cập phải lấy óc và lục phủ ngũ tạng của người chết ra, sau đó dùng các loại hóa chất, hương liệu để diệt trùng nhằm bảo quản cơ thể. Việc ướp xác theo cách đó có thể giải thích bằng khoa học khá đơn giản.

Thế nhưng, khả năng ướp xác không cần thuốc bảo quản, không cần môi trường chân không, không cần ướp lạnh mà vẫn giữ được toàn vẹn xương cốt, lục phủ ngũ tạng thì quả là chuyện rất lạ.

Nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) tồn tại suốt 300 năm nay như thách thức với khoa học. Theo sử sách ghi lại, hai vị thiền sư này tập thiền, rồi vẫn tư thế ngồi thiền đó, hai vị đã đắc đạo. Nghe đồn xá lợi toàn thân của hai thiền sư đốt không cháy, ngâm nước không tan.


Ông Trí kể chuyện về xác anh Trai

Ngoài ra, tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cũng có thiền sư Chuyết Tuyết và chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) có thiền sư Như Trí, đều giữ được toàn thân xá lợi đã gần 300 năm nay.

Các nhà khoa học nước ta và cả thế giới cũng đã bỏ công sức nghiên cứu quả tim xá lợi của thiền sư Thích Quảng Đức mấy chục năm nay, song vẫn chưa tìm được lời giải thuyết phục.

Theo các nhà khoa học, sau khi thiền sư Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chế độ Mỹ- Ngụy, dù các bộ phận cơ thể cháy thành tro, song trái tim của ngài vẫn đỏ rực. Ngô Đình Diệm không tin chuyện trái tim của ngài không cháy liền đem nung ở nhiệt độ 5.000 độ C, tuy nhiên, trái tim của ngài vẫn… chẳng thành than.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu về tiềm năng con người, thời gian gần đây, ở nước ta cũng có một số thiền sư tu thiền đạt được xá lợi, là những viên ngọc ngũ sắc. Những viên xá lợi này chính là tinh túy của thân thể tích tụ lại, đốt ở nhiệt độ cao cũng không cháy được. Xá lợi và toàn thân xá lợi không những là hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học trong nước mà còn đối với cả thế giới.

Chẳng lẽ xác ướp của ông Đinh Công Hạo cũng giống như vậy? Điều thú vị, xá lợi của những thiền sư này có thể giải thích bằng các thuyết giáo của Phật pháp, rằng đó là sự tu luyện khổ hạnh cả đời của các thiền sư nhằm hấp thụ được tinh hoa của trời đất, còn xác ướp của ông Hạo thì không biết giải thích bằng cách nào, bởi gia đình ông không sử dụng hóa chất ướp xác, ông cũng chẳng bỏ ra một ngày để tu luyện theo phương pháp bí ẩn nào cả.


Ông Hạo ngày nhỏ

Vợ chồng ông Đinh Đại Bửu sinh được 4 người con, gồm 2 trai và 2 gái. Ông Đinh Công Hạo sinh năm 1951, là người con thứ 3, còn ông Trí là con út.

Những người già trong xóm kể rằng, cậu bé Hạo rất khô ngô, lại giống cha như tạc nên ông Bửu rất cưng chiều, yêu thương. Tấm ảnh thờ chụp khi nhỏ của Hạo đã nói lên điều đó.

Ông Đinh Đại Bửu là một nhà nho, làm nghề gõ đầu trẻ trong ấp. Thừa hưởng trí tuệ của cha nên từ nhỏ Hạo đã bộc lộ tài năng. Mới 7 tuổi, Hạo đã biết làm thơ tặng bạn bè, cha mẹ và những người thân. Nhiều thầy đồ còn không tin những bài thơ Hạo tặng là do cậu làm, vì ý tứ rất có hồn và nhả chữ đúng niêm luật. Cả gia đình, đặc biệt là ông thầy đồ Đinh Đại Bửu đều trông mong mai này Hạo thành tài.

Còn tiếp...

Tác giả bài viết: Dương Phạm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP